Tất cả vì mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội

27/09/2017
(VBSP News) Trên 627 nghìn lượt người nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; hơn 100 nghìn lượt HSSV nghèo, khó khăn được vay vốn để học tập; gần 40 nghìn lao động có việc làm ổn định; 145 nghìn công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 30 nghìn ngôi nhà cho người nghèo được xây dựng,... nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần cùng địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm từ 2,5% - 3%... Đó chính là những kết quả hoạt động nổi bật của NHCSXH tỉnh Quảng Nam trong 15 năm qua.

Từ sự hỗ trợ về vốn của Chính phủ, tỉnh Quảng Nam có điều kiện phát triển mây, tre đan xuất khẩu, tạo việc làm cho lao động địa phương

Từ sự hỗ trợ về vốn của Chính phủ, tỉnh Quảng Nam có điều kiện phát triển mây, tre đan xuất khẩu, tạo việc làm cho lao động địa phương

Theo Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Nam Lê Hùng Lam, từ 02 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu (năm 2002) là cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm nhận bàn giao với dư nợ 203 tỷ đồng thì đến nay đơn vị đang thực hiện 17 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt 3.807 tỷ đồng, tăng so với thời điểm mới thành lập là 3.604 tỷ đồng (tăng gần 19 lần), tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm gần 23%. Hiện có gần 143 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, chiếm 35% tổng số hộ toàn tỉnh; dư nợ bình quân đạt 26,7 triệu đồng/hộ.

Toàn bộ nguồn vốn cho vay của chi nhánh 15 năm qua luôn bám sát các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư cho các huyện miền núi, đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn.

Để nguồn vốn tín dụng phát huy hiệu quả, chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ với hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, tham mưu chính quyền địa phương thực hiện lồng ghép giữa vốn vay NHCSXH với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao công nghệ tại địa phương, giúp người dân sử dụng vốn vay có hiệu quả, điển hình như tại các huyện miền núi nguồn vốn cho vay gắn với chương trình trồng rừng, trồng cao su tiểu điền, trồng cây dược liệu, trồng sâm, xây dựng trang trại, chăn nuôi…;  chính vì vậy, nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo mà còn có vai trò hết sức quan trọng góp phần thực hiện hoàn thành nhanh các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của tỉnh, như: các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… đã góp phần thực hiện đạt các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, nhà ở dân cư, vệ sinh môi trường và cơ cấu lao động… Đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 02 đơn vị huyện và 62/244 xã  đạt chuẩn nông thôn mới.

Điều đáng nói như một kinh nghiệm quý của Quảng Nam là từ năm 2015 với việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT cấp huyện, đã nâng cao vai trò quản lý Nhà nước và khẳng định được trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của NHCSXH, nhất là hoạt động của các Điểm giao dịch tại xã, gắn các chương trình tín dụng chính sách với kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, kế hoạch giảm nghèo và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo và các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận được dịch vụ tín dụng ưu đãi, chi nhánh đã tổ chức thực hiện tốt phương thức ủy thác một số công việc của quá trình cho vay cho 04 tổ chức chính trị - xã hội. Trong những năm qua, các tổ chức hội, đoàn thể đã cùng chi nhánh làm tốt việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến nhân dân, giúp các đối tượng thụ hưởng biết cách sử dụng vốn, phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống,… góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo. Đến nay, dư nợ cho vay của chi nhánh hầu hết đều được ủy thác qua 4 tổ chức hội đoàn thể (99,85%).

Cùng với thực hiện phương thức ủy thác qua các hội, đoàn thể là việc xây dựng mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn để cùng với ngân hàng, các tổ chức đoàn thể chuyển tải nguồn vốn đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, đảm bảo công khai, dân chủ theo phương châm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra”. Đến nay, toàn chi nhánh có 3.972 Tổ tiết kiệm và vay vốn trên khắp các thôn, bản làng trong toàn tỉnh. Tổ tiết kiệm và vay vốn đã giúp NHCSXH làm tốt công tác bình xét cho vay đúng đối tượng, giám sát hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, thu lãi, thu tiết kiệm, tham gia xử lý nợ tồn đọng, nợ bị rủi ro…

Mặc dù hoạt động trong điều kiện của một tỉnh thường xuyên bị thiên tai lũ lụt, đối tượng cho vay chủ yếu là người nghèo, các đối tượng chính sách, tỷ lệ rủi ro cao nhưng nhờ làm tốt công tác quản lý, kiểm tra chặt chẽ vốn đầu tư, công tác  kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay được chú trọng nên nhiều năm qua chi nhánh luôn là đơn vị có chất lượng tín dụng tốt, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,05% trên tổng dư nợ.

Với những thành tích đạt được, từ năm 2003 đến nay, hàng năm chi nhánh có nhiều tập thể, cá nhân được nhận nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH, Chủ tịch UBND tỉnh, Thống đốc NHNN, các Bộ, ngành và Chính phủ. Năm 2015, chi nhánh vinh dự đã được Chủ tịch nước tặng Huân Chương lao động hạng Nhì.

Những phần thưởng trên không chỉ là sự ghi nhận, tuyên dương mà còn là niềm động viên, khích lệ lớn lao dành cho tập thể cán bộ, viên chức và người lao động toàn đơn vị. 15 năm một chặng đường đầy khó khăn, vất vả nhưng NHCSXH tỉnh Quảng Nam đã khẳng định được hướng đi đúng đắn của mình và không ngừng phát triển về mọi mặt. Với nền tảng vững chắc đó, tin tưởng đơn vị sẽ tiếp tục thu được nhiều thành tích mới, tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Nam, tất cả vì mục đích giảm nghèo và an sinh xã hội.

Bài và ảnh Hùng Lam

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác