Nỗ lực giảm nghèo ở Yên Định

29/10/2021
(VBSP News) Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần bảo đảm an ninh xã hội và tạo điều kiện cho người dân tiếp nhận các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có tín dụng chính sách xã hội. Đó là những mục tiêu trọng tâm huyện Yên Định (Thanh Hóa) đang thực hiện hiệu quả với nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.
trang trại chăn nuôi gà liên kết xã quý lộc

Trang trại chăn nuôi gà liên kết tại xã Quý Lộc, huyện Yên Định

Những năm qua, Thanh Hóa luôn là một trong các tỉnh giảm nghèo nhanh và bền vững của cả nước. Căn cứ vào tình hình thực tế từng địa phương, UBND tỉnh giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nghèo đến từng huyện; huyện xây dựng kế hoạch giảm nghèo đến từng xã; xã đề ra mục tiêu, kế hoạch đến từng hộ, phân công cụ thể cán bộ, đảng viên hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo thoát nghèo bền vững. Năm 2021, tỉnh giao chỉ tiêu giảm nghèo cho huyện Yên Định là 50 hộ.
Với kinh nghiệm từ nhiều năm trong thực hiện các giải pháp giảm nghèo, Huyện ủy Yên Định đã rà soát thực trạng hộ nghèo, cận nghèo; triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách giảm nghèo; nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lương đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Năm 2017, Yên Định là huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện có 22 xã, 4 thị trấn, hiện có 2 xã Định Tân và Định Long đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 theo chuẩn giai đoạn 2021 - 2025, huyện Yên Định đề ra nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục thực hiện tốt, đầy đủ, kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Yên Định Vũ Mạnh Khang cho biết: Đến ngày 30.6.2021, tổng dư nợ của Phòng giao dịch đạt 433,8 tỉ đồng, tăng trên 33,5 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2020, với 9.264 hộ còn dư nợ. Trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt gần 144,8 tỉ đồng, chiếm 33,5% tổng dư nợ.
Dư nợ tập trung vào một số chương trình cho vay như: hộ mới thoát nghèo gần 32,4 tỉ đồng; hộ cận nghèo 8,5 tỉ đồng; NS&VSMTNT 35,6 tỉ đồng; giải quyết việc làm 6,6 tỉ đồng; hộ SXKD vùng khó khăn 3,9 tỉ đồng… Qua đó, góp phần tích cực giảm số hộ nghèo toàn huyện xuống còn 442 hộ (tỷ lệ 0,9%); hộ cận nghèo còn 1.621 hộ (tỷ lệ 3,29%). Phấn đấu đến cuối năm 2021, số hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 403 hộ, đạt 100% chỉ tiêu tỉnh giao.
Ông Lê Huy Thống ở thôn Ngọc Đô, xã Yên Ninh là một trong những hộ sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi. Trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của chi hội nông dân, ông được tiếp cận vay vốn NHCSXH đầu tư nuôi cá, chăn nuôi bò, vịt, trồng ớt kết hợp trồng bưởi Diễn, táo trên điện tích 1ha đất thầu. Nhờ sử dụng hiệu quả vốn vay, đời sống gia đình không ngừng được cải thiện, đến năm 2018 đã thoát nghèo. Sau khi NHCSXH có chủ trương nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, không phải đảm bảo tiền vay, ông Thống tiếp tục được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Yên Định tạo điều kiện vay 100 triệu đồng, thời hạn 5 năm.
Mô hình phát triển kinh tế trang trại của ông Thống cũng là mong muốn của rất nhiều nông dân ở Yên Định. Ông Thống chỉ là một trong số 858 hộ hội viên nông dân đã và đang vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng từ nguồn vốn ủy thác của NHCSXH thông qua Hội Nông dân huyện. Từ năm 2020 đến nay, hội đã nhận ủy thác của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Yên Định để cho 3.522 hộ vay vốn với tổng số tiền đạt trên 151,7 tỉ đồng. Hội có 100 Tổ tiết kiệm và vay vốn, là cánh tay nối dài đắc lực, hiệu quả, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững ở Yên Định.
Hiện nay, toàn huyện đã phát triển được gần 900 trang trại, trong đó có 85 trang trại chăn nuôi đã ký hợp đồng liên kết với các công ty chăn nuôi. Nhiều chủ trang trại ở Yên Định khởi nghiệp từ vốn vay tín dụng chính sách, vươn lên làm giàu từ liên kết chăn nuôi gà. Ở thôn 7,  xã Quý Lộc hiện có 13 trang trại liên kết chăn nuôi gà với quy mô 8.000 - 10.000 con/lứa, thu nhập bình quân từ 400 - 600 triệu đồng/năm/trang trại. Kinh tế trang trại đã và đang góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Yên Định.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Các tin bài khác