Niềm vui xóm biển An Thuận

09/01/2024
(VBSP News) Xóm biển ấp An Ninh A và ấp An Ninh B, xã An Thuận, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) vài năm trở lại đây có nhiều nhà tường mọc lên. Các hộ này nhờ có con đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng mà cất được nhà khang trang, cuộc sống khấm khá đổi thay.
ben tre

Ngôi nhà khang trang của vợ chồng chị Phạm Thị Oanh, ấp An Ninh B, xã An Thuận nhờ con gái cần mẫn lao động tại Nhật Bản

Nụ cười của mẹ
Nhà một số hộ dân xóm biển An Thuận, cách bờ sông Cổ Chiên 0,5km. Người dân ở đây nhiều đời làm nghề đi biển, đi cào, đóng đáy. Anh Nguyễn Văn Ngoan cho biết: “Từ bờ sông này ra cửa biển chỉ 30km, cứ 10 nhà thì hết 5 - 6 nhà là không có đất sản xuất. Quanh năm, người dân chỉ trông vào con cá, con tôm đánh bắt được để sinh sống qua ngày, rất khó để nghĩ đến chuyện cất nhà”.
Đến thăm 2 hộ có con là lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, người mẹ trong 2 gia đình này đóng vai trò quan trọng. Bà Phạm Thị Oanh ở ấp An Ninh B, xã An Thuận có con gái là Huỳnh Thị Hằng, 28 tuổi, vừa đi Nhật về. 5 năm lao động tại Nhật Bản, chị Hằng đã gửi tiền về cho cha mẹ trả phần vay vốn NHCSXH, giúp cha mẹ cất nhà khang trang và sắm sửa vật dụng trong gia đình. Bà Phạm Thị Oanh cho biết: “Cách đây 5 năm, ấp An Ninh B có ít người đi lao động tại Nhật Bản. Con gái tôi từ nhỏ đến lớn chỉ đi học, nào có biết làm gì. Rồi con thấy nhà cha mẹ nghèo, nếu cứ ở quê thì khó vươn lên. Thế là, cháu quyết tâm đi Nhật Bản lao động. Cháu làm trong trang trại nuôi bò sữa. Tôi động viên con ráng làm và thường xuyên trò chuyện với con để yên tâm làm việc”.
Sau khi Hằng đi Nhật Bản về, gia đình chị Oanh có sự đổi thay từ kinh tế. Con gái út 20 tuổi cũng chuẩn bị đi Nhật Bản lao động. Mấy tháng cuối năm 2023, bà con chòm xóm tới lui hỏi thăm kinh nghiệm đi Nhật Bản của Hằng, chị Oanh cười vui, nhiệt tình cho hay: “Con gái từ ở nhà không biết làm gì, qua tới Nhật được đào tạo và chỉ dẫn làm việc, các phụ huynh cứ yên tâm cho con đi làm xa nhà”.
Tại ấp An Ninh A, xã An Thuận, chị Nguyễn Thị Hạnh tất bật vừa nấu cơm vừa gọi điện cho con trai làm nghề cơ khí tại Nhật Bản. Con trai chị Hạnh tên Phạm Văn Minh Hoàng. Hoàng đi Nhật Bản được 2 năm. Khi còn ở quê, Hoàng đã tốt nghiệp cao đẳng ngành cơ khí. Sau đó, Hoàng tình nguyện đi bộ đội, em trở về và quyết định đi lao động tại Nhật Bản.
Gia đình làm nghề đặt đục, 2 năm nay tôm cá ít hẳn nên chị Hạnh phải vay vốn NHCSXH 65 triệu đồng (tổng kinh phí đi Nhật Bản của Hoàng là 140 triệu đồng) cho con trai đi Nhật. “Gia đình tôi khó khăn, đi làm mướn, đặt đục chỉ đủ ăn. Kinh phí cho Hoàng đi lao động là tôi vay mượn nhiều nơi mới đủ. Nhờ có sẵn nghề mà cháu được chọn công việc đúng sở trường là cơ khí và nơi ở ngay tại trung tâm thành phố Hitachi của Nhật Bản. Số tiền nợ vay cho con, đến nay tôi đã trả gần hết (trả định kỳ) và số tiền con gửi về dư dả ra tôi để dành cho con sau này về mua đất, mở xưởng cơ khí tại quê nhà”, chị Hạnh phấn khởi cho biết.
Xóm biển đổi thay
Tính đến ngày 17/12/2023, NHCSXH huyện Thạnh Phú đã cho 132 lượt khách hàng vay vốn lao động đi làm việc ở nước ngoài, với dư nợ trên 7,9 tỷ đồng. Chương trình cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã giúp nhiều thanh niên ở huyện Thạnh Phú có được việc làm ổn định ở nước ngoài, thu nhập cao, đảm bảo đời sống của bản thân và gia đình.
Phó chủ tịch UBND xã An Thuận Nguyễn Thị Hồng Liên chia sẻ: NHCSXH huyện Thạnh Phú đã giúp rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở xã An Thuận vay vốn làm kinh tế như: chăn nuôi, phát triển sản xuất, các hộ nuôi dê, nuôi tôm có hiệu quả. Nhờ vậy, đời sống bà con khá giả lên. Riêng các trường hợp lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng tại xã đã giúp ích rất nhiều cho gia đình.
Qua đó, góp phần đưa địa phương phát triển về kinh tế - xã hội, thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững. Mặc dù, năm 2023, huyện Thạnh Phú giao xã An Thuận chỉ có 9 chỉ tiêu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhưng An Thuận có tới 26 em xuất cảnh. Đạt được kết quả này một phần rất lớn ở chính sách của tỉnh trong việc mở rộng đối tượng cho vay tại NHCSXH. Những gia đình khó khăn vay được số tiền lớn, với lãi suất thấp, yên tâm cho con đi lao động xa nhà.
Theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm, người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chỉ có đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng được vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tại tỉnh, để giúp các hộ dân khó khăn có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 về việc quy định một số chính sách cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND mở rộng đối tượng được vay vốn như: Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; lao động thuộc diện mồ côi tại các địa phương hoặc đang sinh sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội; người tham gia Chương trình khởi nghiệp thoát nghèo thông qua đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Phó Giám đốc NHCSXH huyện Thạnh Phú Nguyễn Minh Triết cho biết: “Hộ chị Phạm Thị Oanh ở ấp An Ninh B và hộ chị Nguyễn Thị Hạnh, ngụ ấp An Ninh A vay vốn cho con đi lao động nước ngoài là đối tượng thuộc Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND (tham gia hộ khởi nghiệp thoát nghèo và thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự). Nghị quyết của HĐND tỉnh đã giúp cho nhiều gia đình ở huyện Thạnh Phú có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đi lao động ngoài nước. Năm 2024, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho chính quyền địa phương sớm chuyển nguồn vốn ủy thác sang để tiếp tục tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn được tiếp cận nguồn vốn vay đi lao động ngoài nước. Việc triển khai kịp thời Chương trình cho vay người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”.
Xã An Thuận hiện là địa phương có số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cao nhất huyện, với 34 lao động (chiếm 26% số lao động vay vốn toàn huyện), dư nợ 2,2 tỷ đồng. Bình quân hàng tháng, mỗi em gửi ít nhất 15 - 20 triệu đồng về gia đình để trả nợ vay và lo cho cuộc sống gia đình ngày càng tốt hơn. Đồng thời, gia đình các em có thêm nguồn vốn để gia đình đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi tăng thêm thu nhập.

Bài và ảnh Thạch Thảo

Các tin bài khác