Những nhịp cầu tín dụng chính sách

14/03/2022
(VBSP News) Với vai trò Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn nhiều năm qua tại tỉnh Quảng Ngãi, chị Phạm Thị Phiền ở xã Ba Cung, huyện Ba Tơ và chị Đinh Thị Phương Dy ở xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà đã trở thành “cánh tay nối dài” của ngân hàng CSXH trong việc đưa vốn đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách, hướng dẫn người dân phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.
images2439282_HEOK

Các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở xã Ba Cung thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả

Hết lòng với công việc
Hơn 5 năm trước, kinh tế gia đình anh Phạm Văn Hoa ở thôn Gò Rét - Ma Nghít, xã Ba Cung, huyện Ba Tơ rất khó khăn. Có đất rừng, sức lao động nhưng lại không có tiền để đầu tư cây giống. Giữa lúc khó khăn ấy, anh Hoa được chị Phạm Thị Phiền - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Gò Rét - Ma Nghít, giới thiệu và hướng dẫn làm thủ tục vay vốn ưu đãi của NHCSXH. Vay được 30 triệu đồng, anh Hoa đầu tư trồng keo và chăn nuôi thêm vịt, gà theo phương châm “lấy ngắn, nuôi dài”. Đến nay, cuộc sống gia đình anh ngày một khấm khá. Số vốn vay trước đây đã trả xong, anh Hoa vay tiếp 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm đầu tư trồng mới rừng keo, mở rộng chuồng trại chăn nuôi trâu, heo ky, gà, vịt xiêm.
Thông qua hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, chị Phiền đã làm “cầu nối” cho gần 60 hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Đối với những hộ nghèo chưa mạnh dạn vay vốn, chị đến tận nhà tuyên truyền chương trình cho vay, lãi suất ưu đãi, cách làm hồ sơ và sử dụng vốn vay phù hợp với hoàn cảnh của từng gia đình. Những hộ có nhu cầu vay, chị tổ chức bình xét công khai, dân chủ, đúng quy định. Chị thường xuyên theo dõi, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Nhờ sự tận tâm, nhiệt huyết, sau hơn 6 năm đảm nhận vai trò Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Gò Rét - Ma Nghít, chị Phiền đã đưa dư nợ của tổ từ hơn 300 triệu đồng tăng lên gần 2,5 tỷ đồng, với 58 hộ còn dư nợ. Bình quân mỗi tháng, chị thu tiền lãi từ 15 -16 triệu đồng.
Chị Phiền chia sẻ, điều kiện ở miền núi khác đồng bằng, có nhiều gia đình đến mùa họ lên núi làm keo hơn 10 ngày mới về. Vì vậy, mỗi lần đến kỳ thu lãi, mình phải kiên trì, đến một lần không được thì đến nhiều lần, đến khi thu được lãi. Còn hộ nào gặp khó khăn đột xuất hay ốm đau phải đi bệnh viện mà chưa đóng lãi đúng kỳ hạn thì mình đóng giúp họ. Người dân ở đây họ thật thà và uy tín lắm, khi có tiền là họ trả mình ngay chứ không dây dưa.
“Quản gia” của nhiều gia đình
Chị Đinh Thị Phương Dy - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Xà Riêng, xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà vừa làm cầu nối, vừa đóng vai trò là “quản gia” của hàng chục gia đình trong việc giúp tổ viên sử dụng vốn đúng mục đích, tiết kiệm chi tiêu để có tiền trả nợ vay. Nhiều hộ nghèo sau khi được chị tư vấn đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH để đầu tư phát triển kinh tế. Nhờ thực hiện công tác quản lý nên tổ vay của chị nhiều năm qua không có phát sinh lãi tồn đọng, nợ gốc trả đúng hạn theo quy định.
Hiện chị Dy đang quản lý 48 tổ viên vay vốn, với dư nợ hơn 1,8 tỷ đồng. Chất lượng hoạt động của tổ được xếp loại tốt liên tục trong những năm qua. Ngoài ra, các thành viên trong tổ bình quân đóng tiết kiệm từ 50 - 100 nghìn đồng/hộ vay/tháng. Số dư tiền tiết kiệm đạt 76 triệu đồng, giúp cho nhiều tổ viên trả nợ từ tiền gửi tiết kiệm chuyển khoản trả nợ gốc khi đến hạn. “Ban đầu, hộ vay chưa quen với việc gửi tiết kiệm, nhưng mình động viên gửi bao nhiêu mình cũng nhận. Dần dần, bà con đều có ý thức gửi tiết kiệm, trong đó có hộ đóng 1 triệu đồng/tháng. Số tiền tiết kiệm đó vẫn được tính lãi và sẽ giúp hộ vay đỡ được gánh nặng khi đến kỳ trả nợ gốc”, chị Dy phân tích.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sơn Hà Lê Thanh Tùng cho biết: Chị Dy là một trong số những Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn điển hình của đơn vị. Công tác cho vay, thu lãi, giám sát sử dụng vốn được chị Dy thực hiện hiệu quả, đóng góp vào chất lượng chương trình cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn huyện thời gian qua.

Bài và ảnh Hồng Hoa

Các tin bài khác