Nguồn vốn ưu đãi giúp dân thoát nghèo

03/03/2020
(VBSP News) Nhờ nguồn vốn ưu đãi, người nghèo ở các địa phương miền núi của tỉnh Quảng Nam đã tiếp cận, đầu tư các mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Vay vốn ưu đãi, anh Hoàng Việt Anh nuôi cá lồng bè mang lại hiệu quả cao

Vay vốn ưu đãi, anh Hoàng Việt Anh nuôi cá lồng bè mang lại hiệu quả cao

Tận dụng cơ hội
Anh Hoàng Việt Anh ở thôn Mậu Long, xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My cho biết, nhờ được vay vốn 50 triệu đồng của NHCSXH huyện Bắc Trà My, năm 2014, đã đầu tư 2 lồng bè nuôi cá diêu hồng ở hồ thủy điện Sông Tranh 2. Sau 6 tháng thả nuôi, cá phát triển tốt, gia đình bán lứa đầu tiên thu được hơn 50 triệu đồng. Từ đó đến nay, gia đình liên tục mở rộng quy mô nuôi cá trong lồng bè, trả xong nợ của ngân hàng, tích lũy nguồn thu nhập lớn.
“Ngoài nuôi cá, chúng tôi còn trồng keo và kinh doanh lương thực, thực phẩm. Mỗi năm, gia đình có thêm hơn 150 triệu đồng. Từ nguồn vốn ưu đãi, nếu biết cách làm ăn thì sẽ nhanh chóng thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng”, anh Việt Anh nói.
Bí thư Đảng ủy xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My Lê Tài cho biết, địa phương luôn xác định vai trò quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Giúp người dân tiếp cận nguồn vốn chính sách rất cần thiết, quan trọng hơn là hỗ trợ họ xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả để phát huy tính ưu việt của đồng vốn.
“Là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Bắc Trà My, tôi thường xuyên nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại địa phương. Chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền về tín dụng ưu đãi để người dân dễ dàng tiếp cận phục vụ hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo nguồn vốn phát huy hiệu quả cao nhất”, ông Lê Tài nói.
Đến nay, dư nợ trên địa bàn đạt 50 tỷ đồng. Tỷ lệ thu lãi, huy động tiết kiệm qua tổ hàng năm đạt 100%. Nợ đến hạn luôn được thu hồi kịp thời, nhiều năm liền ở xã không có nợ quá hạn. Nhờ làm ăn tốt nên số lượng hộ thoát nghèo tăng dần qua các năm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang A Viết Sơn cho biết, công tác cho vay, thu nợ đều đạt chỉ tiêu, hoạt động Điểm giao dịch xã luôn được duy trì, nâng cao chất lượng. Các hội, đoàn thể đã thực hiện tốt việc nhận ủy thác, tuyên truyền, vận động, kiểm tra giám sát cũng như thường xuyên củng cố hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhờ đó góp phần tích cực trong thực hiện đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn
Từ thực tiễn, ông A Viết Sơn nêu ra bài học kinh nghiệm, nơi nào chính quyền huyện, xã quan tâm, thường xuyên theo dõi, quán xuyến hoạt động thì ở nơi đó có chất lượng tín dụng tốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Để phát huy nguồn vốn chính sách, các địa phương cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân nắm được các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, thay đổi nhận thức về tín dụng chính sách, tránh tình trạng vay vốn theo phong trào, sử dụng không đúng mục đích làm giảm hiệu quả đồng vốn vay.
“Quá trình đầu tư nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH cần được lồng ghép với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm. Người dân khi tiếp cận nguồn vốn vay cần được hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách”, ông A Viết Sơn nói.
Bí thư Huyện ủy Đông Giang Đỗ Tài cho biết, triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn đến thời điểm này đã cho thấy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ huyện đến thôn, giúp các hộ nghèo và gia đình chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Nhờ đó, đã thay đổi nhận thức của đồng bào miền núi, năng động, sáng tạo xây dựng mô hình kinh tế mới. Nhờ vốn chính sách được đầu tư hiệu quả đã nâng cao đời sống của nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo của huyện hàng năm đều giảm hơn 5%.
“Tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng giúp huyện thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, tập trung phát triển hạ tầng, các nguồn lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng”, ông Đỗ Tài nói.
Thời gian qua, 14 Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn xã Bình Sơn, huyện Hiệp Đức đều thực hiện tốt công tác giao ban, quản lý vốn, thu lãi, huy động tiết kiệm. Nhờ đó, dư nợ tăng trưởng tốt, chất lượng tín dụng không ngừng nâng lên, các chương trình cho vay được tổ chức triển khai kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng.
Đến nay, đồng vốn chính sách đã giúp hơn 500 hộ nghèo thoát nghèo và 170 hộ cận nghèo thoát cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 34,76% (năm 2015) xuống còn 16% (năm 2019). Nhiều hộ vay vốn đã sử dụng hiệu quả vốn vay để trở thành hộ SXKD giỏi cấp huyện, tỉnh…

Bài và ảnh Việt Nguyễn

Các tin bài khác