Người Tổ trưởng hết lòng với công việc

19/05/2021
(VBSP News) Hơn 14 năm làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Cáo, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), bà Phạm Thị Lâm luôn nhiệt huyết, hết lòng vì công việc. Những năm qua, bà đã giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH để phát triển kinh tế.
images700700_lamdt

Bà Phạm Thị Lâm tuyên truyền chính sách vay vốn cho người dân bản Cáo

Năm nay đã hơn 60 tuổi nhưng bà Phạm Thị Lâm còn hăng say với công việc. Ngoài công việc gia đình, bà Lâm luôn hăng hái tham gia các hoạt động phong trào tại địa phương và được bà con bản Cáo tín nhiệm bầu làm Trưởng bản, Chi hội trưởng phụ nữ, nông dân. Trên cương vị nào, bà cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. “Năm 2007, khi có chủ trương cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tôi được dân bản tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở bản Cáo”, bà Lâm chia sẻ.

Thời gian đầu khi mới làm Tổ trưởng, bà Lâm gặp không ít khó khăn do chưa quen với việc ghi chép, quản lý sổ sách. Đặc biệt, bà chưa biết phải tuyên truyền thế nào để dân bản thay đổi tư duy về vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế. Nhờ được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ NHCSXH, bà có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong công việc. Từ đó, bám sát các chỉ đạo của ngân hàng, UBND xã, hội, đoàn thể quản lý, bà triển khai đầy đủ các chương trình vốn vay ưu đãi đến các hộ trong bản.

Bản Cáo là bản đặc biệt khó khăn của xã Lâm Hóa với 100% hộ dân là đồng bào Mã Liềng. Năm 2007, NHCSXH huyện Tuyên Hóa đã giải ngân cho vay vốn lần đầu với lãi suất 0%, mức vốn cho vay 5 triệu đồng/hộ. Trước ngày giải ngân, bà Lâm đã lặn lội cùng cán bộ khuyến nông xã Lâm Hóa đến các xã lân cận để tìm hỏi mua trâu, bò cho bà con, bảo đảm khi dân bản nhận tiền vay về là mua được trâu, bò kịp thời phát triển chăn nuôi.

Đối với những hộ nghèo, chưa mạnh dạn vay vốn, bà đến tận nhà tuyên truyền về chương trình cho vay, lãi suất ưu đãi, cách làm hồ sơ và sử dụng vốn phù hợp với hoàn cảnh gia đình họ. Đối với những hộ có nhu cầu vay, bà bảo đảm bình xét đúng quy trình, công khai, dân chủ.

Nhận thấy thế mạnh của bản Cáo là phát triển chăn nuôi, bà tích cực tuyên truyền vận động người dân vay vốn để chăn nuôi gia súc. Ngoài ra, bà còn tìm hiểu thêm sách báo, học hỏi kinh nghiệm để hướng dẫn bà con cách chăm sóc và phòng bệnh cho đàn gia súc. Bà con dân bản đã đầu tư sử dụng vốn vay đúng mục đích, đồng vốn đang phát huy hiệu quả. Đến nay, nhiều hộ gia đình ở bản đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Điển hình như chị Phạm Thị Lưu vay vốn NHCSXH chương trình hộ nghèo 2 đợt với số tiền 45 triệu đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò sinh sản. Gia đình chị hiện có 3 con bò và 1 con trâu. Hay như gia đình anh Hoàng Thể Quang vay 5 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ đồng bào DTTS để chăn nuôi gia súc. Đến nay, đàn trâu, bò của gia đình anh đã có 15 con và nhờ nguồn thu nhập từ chăn nuôi, gia đình anh đã thoát nghèo.

Đến nay, tại bản Cáo, nguồn vốn đạt 1 tỷ đồng với 30 hộ vay. Hàng tháng, bà Lâm thực hiện thu lãi và nộp đầy đủ cho cán bộ NHCSXH huyện vào ngày giao dịch định kỳ hàng tháng tại UBND xã. Bà thường xuyên nhắc nhở hộ vay chủ động thu xếp trả nợ đúng thời hạn. Vì vậy, trong suốt quá trình hoạt động, quản lý vốn vay, Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Cáo không để phát sinh trường hợp hộ vay sử dụng vốn sai mục đích, đặc biệt tổ không có nợ quá hạn, lãi tồn đọng.

“Đời sống của bà con bản Cáo giờ đã đổi thay hơn trước nhiều lắm, một phần cũng là nhờ chủ trương, chính sách quan tâm của Nhà nước, trong đó có nguồn vốn vay từ NHCSXH. Thời gian tới, tôi sẽ tích cực vận động những hộ gia đình có nhiều đất rừng, có người lao động mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư vào trồng rừng nguyên liệu, góp phần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo”, bà Lâm chia sẻ.

Giám đốc NHCSXH huyện Tuyên Hóa Thái Xuân Lộc cho biết: “Bà Lâm là một Tổ trưởng nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm với công việc. Tổ tiết kiệm và vay vốn do bà Lâm quản lý là một trong những tổ hoạt động hiệu quả trong việc quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách. Sự tận tâm của bà đã giúp cho nhiều bà con đồng bào DTTS tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế”.

Bài và ảnh Chí Thành

Các tin bài khác