Người Tổ trưởng tận tâm với công việc

03/09/2020
(VBSP News) Chị Thạch Thị Dung ở ấp Trà Quýt B, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã gắn bó cùng NHCSXH với vai trò là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Trà Quýt B, do Hội Phụ nữ xã Thuận Hòa quản lý. Trong quá trình công tác, chị Dung đã không ngại khó khăn, tận tụy với công việc, quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và là tấm gương vượt khó thoát nghèo ở địa phương.
soc trang

Chị Thạch Thị Dung (ngoài cùng bên trái) trong lần kiểm tra, hướng dẫn hộ dân vay vốn làm ăn hiệu quả, vượt khó thoát nghèo

Nếu có dịp đến xã Thuận Hòa hỏi chị Thạch Thị Dung - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Trà Quýt B thì hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở đây ai cũng biết và yêu quý. Ấp Trà Quýt B, xã Thuận Hòa là một vùng quê thuần nông, đại đa số hộ dân là đồng bào DTTS. Nơi đây, bà con gắn bó với ruộng đồng quanh năm. Ngoài kế sinh nhai là sản phẩm thu hoạch từ nông nghiệp thì bà con còn làm thêm nhiều nghề phụ khác như: làm hồ, làm công nhân ở khu công nghiệp… nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, chật vật. Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách mà các hộ nghèo, hộ cận nghèo đã mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi bò, nuôi vịt, làm ruộng… để vượt khó thoát nghèo.
Chị Dung bộc bạch: “Vào tháng 4/2018, sau khi nghe NHCSXH huyện phối hợp cùng với Phòng NN&PTNT huyện và UBND xã triển khai cho vay chăn nuôi bò thịt và bò sữa từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và ngân sách huyện, với lãi suất ưu đãi và thời gian vay phù hợp, tôi liền mời bà con trong ấp để triển khai. Với nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH huyện cho vay chương trình giải quyết việc làm nên đối tượng vay được mở rộng, nhiều bà con trước đây chưa được tiếp cận vốn vay nay đăng ký xin vay để phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình. Có 14 tổ viên vay vốn với số tiền gần 600 triệu đồng”.
Sau khi được tiếp cận vốn vay, các tổ viên trong tổ thực hiện ngay việc mua con giống để chăn nuôi, cuộc sống bà con trong xóm sôi động hẳn lên; ai cũng bắt tay vào lo chăn nuôi và sản xuất. “Mỗi tháng, định kỳ vào ngày 28, tôi họp Tổ tiết kiệm và vay vốn; ngoài việc thu lãi, thu tiết kiệm, buổi họp còn trao đổi về các kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, đặc biệt là các tổ viên chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc đàn bò. Nhiều bà con trong xóm, trước đây chưa mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhưng sau khi được nắm bắt về nguồn vốn tín dụng chính sách đã mạnh dạn tính toán làm ăn và xin vay vốn, chăn nuôi hiệu quả, điển hình như hộ: Châu Bá Tòng, Sơn Tây, Thạch Đen…”, chị Dung cho biết thêm.
Không chỉ là người Tổ trưởng tậm tâm với công việc, chị Dung còn chí thú làm ăn, vượt khó thoát nghèo. Trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, quanh năm làm lụng nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo khó. Năm 2016, chị được tiếp cận nguồn vốn vay hộ nghèo từ NHCSXH huyện. Khi ấy gia đình chị đã có vốn để làm ăn. Chồng chị mua 1.500 con vịt đẻ (nuôi vịt chạy đồng); số còn lại chị mua 2 con bò để chăn nuôi. Đến nay, đàn bò phát triển rất nhiều. Chị đã bán một số con bò để sửa sang lại nhà cửa được khang trang và trả nợ 25 triệu đồng vay từ NHCSXH huyện nên cuối năm 2018, gia đình chị mạnh dạn làm đơn xin thoát nghèo.
Đánh giá về chị Thạch Thị Dung, Giám đốc NHCSXH huyện Châu Thành Trịnh Bích Tuyền cho biết: “Trong quá trình công tác, chị Dung thường xuyên nghiên cứu và nắm chắc các quy trình nghiệp vụ của NHCSXH, đảm bảo bình xét cho vay đúng quy trình, đúng đối tượng, thường xuyên theo dõi và hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Nhờ đó, tổ viên của tổ ban đầu chỉ có 43 tổ viên với dư nợ 737 triệu đồng, đến nay tăng lên 60 tổ viên với dư nợ gần 1,8 tỷ đồng. Sự nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm trong công tác với mong muốn giúp bà con trong ấp thoát nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, chị Thạch Thị Dung xứng đáng trở thành tấm gương điển hình tiêu biểu để hội viên noi theo”.

Bài và ảnh Quang Bình

Các tin bài khác