Nghệ An thực hiện hiệu quả nguồn vốn chính sách góp phần giảm nghèo

03/01/2021
(VBSP News) Phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu xuyên suốt được tỉnh Nghệ An tập trung thực hiện trong những năm qua. Hàng năm, tỉnh đều bố trí nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay đến các đối tượng chính sách; trong đó, có số lượng lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ nguồn vay NHCSXH đã giúp hàng chục nghìn hộ dân có vốn đầu tư SXKD, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.
nghe an 7

Các chương trình tín dụng của NHCSXH đã quen thuộc với người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Tỉnh Nghệ An có 21 huyện, thành, thị, là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với dân số hơn 3,2 triệu người. Trong đó, dân số trong độ tuổi lao động trên 1,9 triệu người; đồng bào các DTTS 466.137 người, chiếm 15,2% dân số toàn tỉnh, 5 dân tộc có dân số đông gồm: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu.
Nghệ An hiện có 3 huyện nghèo được hưởng chính sách đầu tư theo Nghị quyết 30a của Chính phủ gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong; huyện Quỳ Châu có tỷ lệ hộ nghèo cao được hưởng cơ chế đầu tư theo Quyết định số 293 của Thủ tướng Chính phủ, nay là Quyết định số 275/QĐ-TTg. Có 94 xã đặc biệt khó khăn và 193 thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi thuộc diện đầu tư của Chương trình 135; 12 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Đầu năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 4,11%, tương đương 41.041 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo 7,35%, tương đương 75.389 hộ.
Với những đặc thù như trên, những năm qua, tỉnh Nghệ An đã tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện đồng bộ chương trình giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội cho các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đã khẳng định vai trò là ”cánh tay nối dài” mang nguồn vốn đến tận tay người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân.
Đến tháng 10/2020, NHCSXH tỉnh Nghệ An đã cho các đối tượng chính sách vay 2.357 tỷ đồng. Trong đó cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo là 971,561 tỷ đồng. Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp cho 52.688 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, dư nợ bình quân của một hộ vay đạt 48 triệu đồng/hộ; có 20.671 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất; thu hút, tạo việc làm cho 2.115 lao động; hơn 4 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 170 lao động được đi xuất khẩu lao đông; 12.937 hộ gia đình tại vùng nông thôn được vay vốn, xây dựng trên 28.975 công trình nước sạch; 1.550 hộ được vay vốn để làm nhà ở theo chương trình 33; 5.708 hộ gia đình vay vốn SXKD.
Trong 10 năm qua, NHCSXH tỉnh Nghệ An đã cho vay 20.309 tỷ đồng, với gần 807 nghìn lượt khách hàng vay vốn, bình quân cho vay 25,2 triệu đồng/khách hàng; doanh số thu nợ các chương trình tín dụng đạt 15.571 tỷ đồng. Đến 30/12/2020, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Nghệ An đạt hơn 8.995 tỷ đồng.
Hiệu quả từ vốn vay NHCSXH thật sự rõ nét với 209 nghìn lượt hộ nghèo, 139 nghìn lượt hộ cận nghèo và 52,2 nghìn lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn; 116,2 nghìn lượt hộ gia đình được tiếp cận nguồn vốn cho con em học tập; hơn 22 nghìn lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ưu đãi; 4,2 nghìn lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động; gần 161 nghìn hộ gia đình vay vốn để sửa chữa và xây mới công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; 26,7 nghìn căn nhà được xây dựng cho hộ nghèo; gần 62 nghìn hộ dân ở vùng khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh… Đa số hộ nghèo được nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất kinh doanh để tạo thu nhập, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Nghe An 4

Nguồn vốn chính sách phủ kín khu vực nông thôn, đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của người dân

Đồng thời, nguồn vốn tín dụng chính sách cũng góp phần đưa các địa phương về đích nông thôn mới, thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đến nay, tổng dư nợ tại các xã nông thôn mới đạt 5.452 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 61,5%/tổng dư nợ, với hơn 171 nghìn khách hàng.
Phó Chủ tịch UNBD tỉnh Nghệ An Nguyễn Hồng Vinh chia sẻ: Giai đoạn từ 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo ở Nghệ An giảm 10,76%; giai đoạn 2016 - 2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm từ 12,1% xuống còn 4,11%; hộ cận nghèo giảm từ 10,23% năm 2015 xuống còn 7,57% cuối năm 2019. Chương trình tín dụng chính sách là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Mai Liễu

Các tin bài khác