Hành trình chia sẻ yêu thương đến các em học sinh vùng cao
Từ những điểm trường khó khăn
Bá Thước - huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, một trong 74 huyện nghèo cả nước có địa hình phức tạp, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế nơi đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 23,86%, cận nghèo là 30,28%.
Bên cạnh đó, một số xã đặc biệt khó khăn của huyện, hệ thống trường học, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Bàn ghế, trang thiết bị giáo dục phục vụ cho việc giảng dạy còn nghèo nàn, không đảm bảo chất lượng dạy và học.
Điểm Trường Tiểu học La Ca, nằm trên địa bàn bản La Ca - Tến Mới thuộc Trường Tiểu học Cổ Lũng, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước được xây dựng từ năm 2000, tổng số học sinh là 70 em, 100% là dân tộc Thái. Cơ sở vật chất của điểm trường để học tập và sinh hoạt còn thiếu thốn, đặc biệt là khu nhà vệ sinh, cả điểm trường chỉ có một nhà vệ sinh truyền thống dùng chung cho cả tập thể giáo viên, học sinh đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả học tập của các em.
Còn điểm trường lẻ Eo Kén - Trường mầm non Thành Sơn, xã Thành Sơn nằm trên đại bàn thôn Báng, sau đó đến điểm lẻ Pù Luông, điểm lẻ Kho Mường, điểm lẻ Eo Kén. Trong đó, điểm lẻ Eo Kén là điểm trường thuộc bản khó khăn nhất, cách trung tâm xã Thanh Sơn 12km, có 3 nhóm lớp với 75 em học sinh. Cơ sở vật chất tại khu bếp bị hư hỏng nhiều do thời gian sử dụng đã lâu, bếp nấu ăn chỉ là bếp rơm, bếp củi, các cô tận dụng những cái xoong, cái nồi đã bị méo để nấu cho các con bữa cơm no bụng, học cái chữ.
“Cơ sở vật chất tại khu bếp đã bị hư hỏng nhiều do thời gian sử dụng đã lâu, nhà bếp bán trú còn rất thô sơ, tạm bợ, ngày nắng thì nóng nực, khó chịu, khi mưa to gió lớn thì chỉ sợ giông lốc làm tốc mái. Nhiều hôm vừa lo cho các con bữa ăn đảm bảo vừa phải xoay sở che chắn bữa cơm cho các con không bị ướt. Các thầy, cô giáo vất vả quen rồi thì không sao, nhưng chỉ thương các em còn quá bé phải chứng kiến những khó khăn như này!”, Hiệu trưởng Trịnh Hồng Quân tâm sự.
Cùng chia sẻ với hoàn cảnh các em
Có đến tận nơi, chứng kiến tận mắt cuộc sống ở vùng cao, mới thấy hết những khó khăn, thiệt thòi của các em nhỏ nơi đây. Nhiều em phải ở trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát. Nhiều em đầu trần, chân đất, không có quần áo ấm để mặc trong mùa đông. Với các em, những thứ tưởng như đơn giản như cặp sách mới, áo ấm cũng là điều gì đó xa vời.
Thấu hiểu khó khăn, vất vả của thầy cô và học trò, Công đoàn NHCSXH và Công đoàn Khối thi đua số 5 đã kêu gọi phát huy tinh thần nhân ái của tập thể cán bộ, người lao động ủng hộ kinh phí để xây mới một số công trình quan trọng của điểm trường: Xây dựng nhà vệ sinh điểm trường La Ca, trường Tiểu học Cổ Lũng - xã Cổ Lũng và tu sửa nhà bếp, xây mới khu sơ chế bếp ăn khu điểm trường Eo Kén, trường Mầm non Thành Sơn, xã Thành Sơn để tạo điều kiện tốt nhất cho các em nhỏ vùng cao, những địa bàn khó khăn có thêm điều kiện học tập, phát triển thể chất, tinh thần.
Tại xã Cổ Lũng, công trình nhà vệ sinh của điểm trường La Ca gồm 2 khu riêng biệt nam - nữ với diện tích mỗi khu là 18m2, sàn lát đá hoa, chống trơn trượt. Tổng trị giá công trình gần 120 triệu đồng. Năm học này, 75 học sinh tiểu học đã được sử dụng khu nhà vệ sinh sạch sẽ, thân thiện và an toàn; giúp các em đảm bảo sức khỏe để yên tâm học tập.
Chia sẻ về công trình mới của điểm trường, cô giáo Lương Thị Dung - Trường Tiểu học La Ca xúc động nói: “Bản thân tôi là một giáo viên đã gắn bó với ngôi trường này từ những ngày mới bước vào nghề dạy học. Chứng kiến sự đổi thay của ngôi trường, tôi rất xúc động. Xúc động khi nhớ về một thời gian khó đã qua đi, khi cơ sở vật chất còn nhiều thốn thiếu,… Và, xúc động hơn cả là niềm vui, niềm hạnh phúc, khi con em bản làng giờ đây được học tập trong ngôi trường khang trang, có công trình vệ sinh đảm bảo chất lượng sinh hoạt, góp phần nâng cao phát triển thể chất và tinh thần cho các con”.
Còn tại xã Thành Sơn, công trình cải tạo khu nhà bếp tại điểm trường mần non Eo Kén đã được xây dựng sạch sẽ, khang trang, hợp vệ sinh, tách biệt khâu sơ chế và thành phẩm cho đồ ăn phục vụ các cháu. Công trình được đầu tư với tổng trị giá trên 121 triệu đồng. Công trình đã đáp ứng các điều kiện giúp cho các con được ăn bán trú tại điểm trường và góp phần giúp các bé phát triển một cách toàn diện, bố mẹ và gia đình có thể yên đi làm, đi công tác.
“Cảm ơn các anh chị trong Khối thi đua các tổ chức tín dụng số 5 đã giúp sức, chia sẻ, ủng hộ điểm trường, chỉ trong vòng hơn một tháng công trình đã hoàn thành 100% tiến độ công việc, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc không chỉ riêng cho các cháu điểm trường Eo Kén trường mầm non Thành Sơn, xã Thành Sơn mà đó là niềm phấn khởi của tập thể CBGV nhà trường cũng như bà con nhân dân trong toàn xã”, cô Phạm Ngọc Ánh, giáo viên mầm non điểm trường Eo Kén chia sẻ.
Cũng tại lễ khánh thành, Công đoàn NHCSXH tặng 40 triệu đồng cho các điểm trường và các em học sinh những phần quà ý nghĩa phục vụ trong công tác dạy và học với mong muốn lan toả sự yêu thương, vơi bớt đi những khó khăn.
Nụ cười của các em học sinh và các giáo viên vùng cao bên những công trình mới khang trang, kiên cố được khánh thành chính là động lực để NHCSXH và Khối thi đua số 5 tiếp tục được viết tiếp cho những năm tháng sau này, lan tỏa lòng nhân ái đến nhiều vùng miền trên tổ quốc.
PV
Các tin bài khác
- » Tưng bừng các hoạt động chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam
- » NHCSXH gặp mặt kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam
- » Chung tay bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện Krông Búk
- » Lan toả lòng nhân ái bằng những giọt máu nghĩa tình
- » Cơn lũ chưa qua, tình người cán bộ áo hồng đã tới
- » Thắp sáng niềm tin cho em
- » Hỗ trợ người dân bị thiệt hại do lũ ống ở Lào Cai
- » Đại hội Công đoàn Ngân hàng Việt Nam lần thứ VII: Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển
- » Phiên thứ nhất Đại hội Công đoàn Ngân hàng Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023 - 2028
- » Bế mạc và trao giải Đại hội TDTT ngành Ngân hàng lần thứ Nhất