Giúp người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống
Ba đứa trẻ không nơi nương tựa được chị Ksor H’Nil là bác ruột nhận nuôi, nhưng gia cảnh chị H’Nil cũng không khá gì hơn. Không ruộng nương, nghề nghiệp, vợ chồng chị và hai đứa con đã khó khăn, giờ lại thêm các cháu, bảy con người phải chen chúc nhau ở trong một căn chòi gỗ lợp tôn rộng chưa đầy 20m2 dựng tạm phía cuối mảnh vườn do ông bà ngoại để lại. Thấu hiểu nỗi khó khăn của gia đình, tháng 6 vừa qua, MTTQ huyện Krông Pa trích nguồn Quỹ Vì người nghèo và kêu gọi sự hỗ trợ của một số đơn vị xây tặng gia đình chị H’Nil căn nhà Đại đoàn kết trị giá gần 53 triệu đồng.
Ở TX Ayun Pa, hiện nay ngoài phong trào trao tặng nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, MTTQ các cấp còn có nhiều cách làm nhằm góp phần giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vươn lên ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Một trong những chương trình đó là tặng vật nuôi như bò, dê cho người nghèo. Chủ tịch MTTQ TX Ayun Pa Nguyễn Phú cho biết: Những người nghèo, khó khăn ở các địa phương được bình xét sẽ được tặng một cặp vật nuôi giống sinh sản (bình quân 30 triệu đồng/cặp bò và bình quân bảy triệu đồng/cặp dê). Là chương trình mới của MTTQ TX Ayun Pa, với mục đích hỗ trợ người nghèo là đồng bào DTTS, chương trình nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và của người dân. Chính vì vậy, hiệu quả xã hội của chương trình rất lớn.
Xây dựng nhà Đại đoàn kết, nhà tình nghĩa chính là chương trình mà tỉnh Gia Lai đã ưu tiên sử dụng các nguồn kinh phí từ ngân sách và nguồn tài trợ để thực hiện giúp các hộ nghèo ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững và phát triển kinh tế. Chỉ tính riêng từ nguồn Quỹ Vì người nghèo và Quỹ An sinh xã hội cho người nghèo, tỉnh đã phân bổ 9,4 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho 150 hộ gia đình có công với cách mạng; xây dựng mới 142 căn “Nhà tình nghĩa”. Ngoài ra, tỉnh vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.248 nhà ở cho gia đình nghèo khó khăn về nhà ở. Chủ tịch MTTQ tỉnh Gia Lai Hồ Văn Điềm cho biết: Thời gian tới, Ban vận động Ngày vì người nghèo của tỉnh sẽ triển khai nhiều hình thức nhằm huy động được nhiều nguồn hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo. Chúng tôi còn phối hợp NHCSXH cho vay nhằm giúp đời sống người dân ổn định và ngày càng nâng cao. Thời gian qua, các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH tỉnh Gia Lai triển khai đã cùng các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đồng vốn ưu đãi đã giúp những người nghèo, nhất là người DTTS, hoàn cảnh khó khăn có cơ hội giảm nghèo và vươn lên ổn định cuộc sống. Chỉ tính trong 05 năm qua, NHCSXH tỉnh Gia Lai với các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã giải ngân 6.129 tỷ đồng hỗ trợ 222.964 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, qua đó đã giúp 87.277 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 13,96% (giai đoạn 2014 - 2015) xuống còn 10,04% (giai đoạn 2016 - 2018).
Anh Rơ Ô Súy ở buôn Đoàn Kết, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa (Gia Lai), là một trong những hộ nghèo. Năm 2015, được hướng dẫn vay từ NHCSXH số tiền 30 triệu đồng, đầu tiên anh mua ba con bò, sau đó bò sinh sản lên thành sáu con. Năm 2017, anh bán bớt bò, tiếp tục được hướng dẫn vay 50 triệu đồng, đầu tư mua đất trồng các loại cây trồng khác. Nhờ chịu khó tích cóp và học hỏi cách làm ăn, đến nay gia đình anh đã có 2ha sắn, 2ha lúa rẫy, thu nhập hằng năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Anh Rơ Ô Súy cho biết: “Trước đây, hai vợ chồng không biết cách làm ăn cho nên cuộc sống khó khăn, nếu không có số tiền vay và sự hướng dẫn của cán bộ, cuộc sống gia đình không biết đến bao giờ mới hết đói, hết nghèo. Bây giờ kinh tế đã ổn định, hiện tại gia đình tôi không còn là hộ nghèo nữa”.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Gia Lai Lê Văn Chí, cho biết: “Với đặc thù là tỉnh có số đông đồng bào DTTS, còn hạn chế nhiều mặt, để tạo điều kiện cho hộ vay tiếp cận được vốn, tiết kiệm được chi phí đi lại, chúng tôi xây dựng mạng lưới cán bộ ở 222 xã, phường, thị trấn, hằng tháng phối hợp các hội, đoàn thể xây dựng kênh dẫn vốn cho vay, thu nợ, thu lãi và giao dịch tại 192 Điểm đặt tại UBND các xã, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, nhờ vậy đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn và tham gia giảm nghèo bền vững ở địa phương”.
Bài và ảnh Thái Hòa
Các tin bài khác
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 3 - Kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 2 - Để cho những vườn nho trĩu quả (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 1 - Điểm tựa của đồng bào (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » NHCSXH chúc mừng ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam
- » Đồng bào Arem ở Quảng Bình sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay
- » Gắn tín dụng ưu đãi với người có công tại huyện Kông Chro
- » Nghĩa Lộ - “ba nghèo” vươn lên nhờ vốn chính sách
- » Giảm nghèo bền vững nhờ vốn vay ưu đãi
- » Tín dụng chính sách ở Thanh Hóa “thẩm thấu” từ khi có Chỉ thị số 40
- » “Trao cơ hội đi học, cho cơ hội đổi đời”