Giúp huyện vùng cao thực hiện khát vọng thoát nghèo
Giám đốc NHCSXH huyện Đà Bắc Nguyễn Bình Nam cho biết, đến nay, tổng dư nợ của đơn vị đạt 379,6 tỷ đồng, với trên 9.500 hộ còn dư nợ. Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; mạng lưới Điểm giao dịch đặt tại 17 xã, thị trấn và hệ thống 243 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp thôn bản, vốn chính sách đã được truyền tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn của người dân.
Từ việc thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Đà Bắc giảm từ 37,8% (cuối năm 2015) còn 20,5% (năm 2019). Trong 5 năm qua, nguồn vốn chính sách đã góp phần tích cực phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi. Toàn huyện hiện có 1.161ha diện tích rừng với các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp như: bột giấy, đá xây dựng, gạch nung, đồ mộc dân dụng, chè búp khô, tăm mành, chổi chít…. Nghề nuôi cá lồng, cá ao và đánh bắt thủy sản vùng hồ sông Đà ngày càng phát triển với gần 83ha diện tích ao, hồ nuôi thả cá, số lồng cá nuôi đạt gần 1.910 lồng nuôi cá.
Được tiếp cận nguồn vốn chính sách của NHCSXH huyện Đà Bắc, gia đình chị Sa Thị Thương ở xóm 6, xã Tu Lý đã đầu tư nuôi trâu bò sinh sản. Nhờ tận dụng điều kiện có đất đồi, rừng, 3 năm trở lại đây, chị Thương luôn duy trì nuôi 1 cặp bò sinh sản và 4 con bò vỗ béo. Số tiền thu được từ chăn nuôi đã giúp gia đình chị thoát nghèo, xây nhà hai tầng thoáng mát, con cái được học hành chu đáo. “Với điều kiện có đất đồi rừng, tôi tiếp tục làm đơn đề nghị NHCSXH giúp đỡ cho vay tiếp vốn chính sách để phát triển kinh tế hộ gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện tốt hơn nữa cuộc sống”, chị Sa chia sẻ.
Bí thư huyện ủy Đà Bắc Đinh Công Báo đánh giá: Thời gian qua, nguồn vốn chính sách đã góp phần quan trọng trong thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đồng bào dân tộc nơi vùng cao không những sử dụng đồng vốn chính sách để thực hiện khát vọng thoát nghèo mà đã chuyển biến sâu nhận thức trả nợ, nộp lãi đúng quy định cho ngân hàng, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, giảm tỷ lệ nợ quá hạn còn 0,05% so với tổng dư nợ.
Thời gian tới, địa phương tiếp tục tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, trong đó có nguồn vốn chính sách của Nhà nước, phát huy mạnh mẽ tính tự lực, tự cường vươn lên, khai thác tiềm năng về lao động, đất đai. Đồng thời, phối hợp với NHCSXH làm tốt công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện vùng cao.
Đông Dư
Các tin bài khác
- » Thủ tướng yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19
- » Đồng Tháp tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với vốn chính sách
- » Đà Nẵng giải ngân gói hỗ trợ cho người dân vay trả nợ tiền đất tái định cư
- » Nguồn lực góp sức xây dựng nông thôn mới
- » Phụ nữ ổn định cuộc sống từ nguồn vốn ưu đãi
- » Tổ tiết kiệm và vay vốn - “Cánh tay nối dài” của NHCSXH tỉnh Bạc Liêu
- » Hơn 30 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh
- » Khởi sắc đời sống đồng bào Khmer
- » Giúp người dân vươn lên thoát nghèo
- » Đồng hành cùng bà con thoát nghèo