Đổi mới phương thức đầu tư nguồn vốn ưu đãi

04/01/2020
(VBSP News) Ngay trong những ngày tháng đầu năm 2020, những tia nắng mới cùng cơn gió Lào cuối mùa đông làm cho đất trời Vĩnh Linh (Quảng Trị) trở nên nóng nực, vậy mà đã có hàng trăm hộ nghèo cùng bà con dân tộc Vân Kiều, Cà Tu từ sáng tinh mơ đến Điểm giao dịch của NHCSXH để họp bàn, vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước cho kịp đầu tư sản xuất vụ xuân.
Vốn ưu đãi đồng hành cùng bà con huyện Vĩnh Linh phát triển hồ tiêu có giá trị hàng hóa cao

Vốn ưu đãi đồng hành cùng bà con huyện Vĩnh Linh phát triển hồ tiêu có giá trị hàng hóa cao

Tại trụ sở UBND xã Vĩnh Ô, Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Sáu cho chúng tôi biết: Nhờ có Điểm giao dịch của NHCSXH đặt tại xã nên các hộ dân có điều kiện thuận lợi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để chủ động làm kinh tế vườn đồi, vườn rừng, chuyển từ phương thức sản xuất tự cấp sang sản xuất hàng hóa như trồng hồ tiêu, cao su, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo thêm việc làm mới. Từ đó, góp phần đắc lực xóa cơ bản nhà tạm bợ cho các hộ nghèo, tạo đà tăng số hộ khá giả và giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo, bình quân 6,5%/năm giai đoạn 2015 - 2019.
Hiện nay, 100% hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn ở xã Vĩnh Ô đều được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, bình quân 30 triệu đồng/hộ để phát triển SXKD. Việc quản lý và sử dụng đồng vốn ưu đãi cũng được địa phương đặt ra rất cụ thể và có những giải pháp thực hiện đồng bộ, hợp lý. Tại bản Cây Tâm có 81 hộ sử dụng hơn 6 tỷ đồng vay vốn NHCSXH huyện Vĩnh Linh đầu tư cải tạo đồng ruộng trồng lúa nước, bắp lai, nhận khoán trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng, xây dựng các công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn.
Đơn cử là anh Hồ Đức Phả vay vốn NHCSXH xây dựng mô hình nuôi trâu, thả cá trên núi để mỗi năm thu lãi trên 40 triệu đồng. Cùng với đó, anh còn tham gia dự án “Tăng cường năng lực lâm nghiệp”, trồng 6ha rừng thông, keo lá chàm. Từ sự năng động sản xuất với đồng vốn ưu đãi làm đòn bẩy, Hồ Đức Phả có của ăn của để, đạt danh hiệu thi đua “Thanh niên lập nghiệp, lập thân sản xuất giỏi” của tỉnh Quảng Trị.
Cũng cần kể đến vợ chồng anh Hồ Quyết và chị Hồ Thị Hoài ở xã Vĩnh Ô đã sử dụng 68 triệu đồng của các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ SXKD vùng khó khăn và hộ DTTS đặc biệt khó khăn để tiến hành trồng cao su tiểu điền, chăn nuôi bò sinh sản, ngày nay gia đình đã thoát cảnh nghèo thiếu, con cái học hành hẳn hoi, nhà cửa xây dựng mới khang trang.
Trong những năm qua, NHCSXH đã mở các Điểm giao dịch về khắp 22 xã, thị trấn trên toàn địa bàn Vĩnh Linh, kể cả 11 bản của 3 xã vùng cao biên giới cách xa trung tâm huyện hơn 40km đường rừng, đi lại khó khăn bởi đèo cao, sông sâu, mưa nắng thất thường, giúp hộ nghèo và đồng bào DTTS tiếp cận thuận lợi, nhanh chóng nguồn vốn tín dụng của Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ tín dụng hoạt động an toàn, gần gũi với nhân dân để thực hiện nhiệm vụ cho vay kịp thời, đúng đối tượng, đạt hiệu quả.
Trong tổng số 78 tỷ đồng đầu tư ở 11 bản của vùng cao thì vốn NHCSXH chiếm tới 71%. Như vậy, thu nhập theo đầu người năm 2019 so với năm 2015 ở 3 xã tăng đáng kể: Vĩnh Ô tăng 2,45 lần, Vĩnh Hà tăng 1,9 lần, Vĩnh Khê tăng 2,2 lần. Hay như ở xã đồng bằng Vĩnh Tú, nguồn vốn ưu đãi đã giúp phục hồi, phát triển nghề trồng hồ tiêu từ 140ha lên 480ha, làm cho cuộc sống người dân đỡ nhiều nhọc nhằn, nghèo khó, bộ mặt nông thôn thêm tươi sáng.
Anh Nguyễn Văn Quỳnh ở thôn Tú Phương, xã Vĩnh Tú là một trong những điển hình về sử dụng vốn vay ưu đãi cải tạo đất ruộng trũng thành vườn thâm canh 1.000 trụ tiêu xanh tốt, nuôi đàn bò 12 con béo tốt, đạt thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Dẫn chúng tôi thăm những cánh rừng cao su, ông Hoàng Duy Thanh ở thôn Di Loan, xã Vĩnh Giang tâm sự: Trước năm 2010 từ thị xã Đồng Hà về huyện Vĩnh Linh lập nghiệp, kinh tế gia đình khó khăn, thiếu thốn đủ bề, quanh năm đi làm thuê. Đến năm 2008, khi cây cao su tiểu điền xuất hiện, ông Thanh gia nhập Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội CCB, được bình xét vay vốn hộ nghèo đã đầu tư mua cây giống, vật tư chọn lọc, trồng và chăm sóc cây cao su. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi làm điểm tựa cùng sự cần cù lao động, rừng cây và trại gà giúp kinh tế gia đình ông Thanh khá giả, tạo việc làm thường xuyên cho 05 lao động trong thôn với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Bà Nguyễn Thị Khởi, Phó chủ tịch UBND huyện kiêm trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Vĩnh Linh cho biết: Các cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể, ban ngành trên địa bàn đánh giá cao tác dụng hoạt động của NHCSXH cũng như ý chí vượt khó, tinh thần lao động hăng hái của người dân đã sử dụng hiệu quả 347 tỷ đồng vốn ưu đãi của Nhà nước để thoát nghèo bền vững, hoàn thành xây dựng NTM. Bước sang năm mới 2020 cả hệ thống chính trị của huyện quyết tâm vào cuộc, cùng NHCSXH tiếp tục đổi mới phương thức đầu tư thực hiện tốt hơn nữa công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Đông Dư

Các tin bài khác