Doanh nghiệp, người lao động khó khăn do dịch cần điều kiện gì để được vay vốn?

14/07/2021
(VBSP News) Ngày 01/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; trong đó giao NHCSXH thực hiện cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động. NHCSXH tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện ngay chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Phóng viên có cuộc trao đổi với Giám đốc NHCSXH tỉnh Nghệ An Trần Khắc Hùng (ảnh dưới) về chính sách trên.

bna_nghe-an-trien-khai-chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep-nguoi-lao-dong-gap-kho-khan-do-dich-covid19-hinh-anh-1

Phóng viên: Xin ông cho biết Nghị quyết 68/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành?

Trả lời: Sau khi Nghị quyết 68 ban hành, Quyết định 23 của Thủ tướng quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là cuộc cách mạng về thủ tục, có sự đột phá để người sử dụng lao động tiếp cận nhanh nhất. Trước đây, người sử dụng lao động vay để trả lương cho lao động ngừng việc thì thời gian tiếp cận là trong vòng 1 tháng 10 ngày và với 4 loại hồ sơ khác nhau. Chính sách lần này đã rút ngắn toàn bộ thời gian, quy trình, chỉ còn 4 ngày giải quyết hồ sơ, Ngân hàng giải ngân tới khách hàng trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo vốn. 

Người sử dụng lao động được vay vốn tại NHCSXH với lãi suất 0%, không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022. Người sử dụng lao động được bỏ điều kiện chứng minh về doanh thu hoặc tài chính của doanh nghiệp.

Điểm mới nữa của lần hỗ trợ này là ngoài đối tượng vay để trả lương cho lao động bị ngừng việc, lần này bổ sung thêm cho vay để người sử dụng lao động trả lương phục hồi sản xuất, với 2 nhóm gồm: Người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 và người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, đưa người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

bna_nghe-an-trien-khai-chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep-nguoi-lao-dong-gap-kho-khan-do-dich-covid19-hinh-anh-2

Thông báo cho vay trả lương

Phóng viên: Thưa ông, hiện nay chính sách này đã được NHCSXH triển khai như thế nào?

Trả lời: Để kịp thời đưa chính sách vào cuộc sống, ngày 08/7/2021, NHCSXH đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các đại biểu tại trụ sở chính, chi nhánh các tỉnh, thành phố về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Nghệ An, NHCSXH tỉnh đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ, quán triệt các nhiệm vụ về triển khai cho vay đến toàn thể cán bộ, nhân viên chi nhánh; Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo các Sở, ban, ngành tăng cường chỉ đạo, phối hợp với NHCSXH để triển khai chính sách chính xác, kịp thời và có hiệu quả. Ngày 13/7, NHCSXH tỉnh cũng đã có Thông báo số 700/TB - NHCS về việc thực hiện chính sách cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng bởi đại dịch tới tất cả các Phòng giao dịch huyện, thị xã; các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn…

Chúng tôi coi việc triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới; tăng cường, đẩy mạnh công khai chính sách đến các cấp, các ngành và các đối tượng thụ hưởng, với phương châm “mỗi cán bộ là một tuyên truyền viên” tuyên truyền chính sách đến toàn thể doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.

Phóng viên: Ông có thể nói cụ thể hơn về điều kiện để doanh nghiệp vay vốn trả lương cho người lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh?

Trả lờiTheo Quyết định 23 thực hiện chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch Covid-19, từ Điều 38 đến Điều 43 quy định, hướng dẫn điều kiện, quy trình hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.Theo đó, người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh khi có đủ các điều kiện sau:

1. Đối với khách hàng vay vốn trả lương ngừng việc 

a. Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.

b. Không có nợ xấu tại TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.

2. Đối với khách hàng vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh
a. Đối với khách hàng phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022:
- Phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.
- Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn.

- Có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh.

- Không có nợ xấu tại TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.

b. Đối với khách hàng hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để phục hồi sản xuất, kinh doanh:
- Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn.

- Có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh.

- Không có nợ xấu tại TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn.

Về mức cho vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất: Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động. Thời gian hưởng chính sách hỗ trợ tối đa 3 tháng; thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
Việc giải ngân của NHCSXH cho người sử dụng lao động đối với các tháng 5, 6 và 7 năm 2021 được thực hiện 1 lần; thời hạn giải ngân đến hết ngày 05/4/2022 hoặc khi giải ngân hết 7.500 tỷ đồng được NHNN Việt Nam cho vay tái cấp vốn tùy theo điều kiện nào đến trước.

nghe-an-trien-khai-chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep-nguoi-lao-dong-gap-kho-khan-do-dich-covid19-hinh-anh-4

Nội dung khách hàng cần biết về vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất

Trân trọng cảm ơn ông!

Hồ sơ đề nghị vay vốn gồm:

- Giấy đề nghị vay vốn theo mẫu.

- Danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội

- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký Hợp tác xã/hộ kinh doanh; Quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có); Giấy phép kinh doanh/Giấy phép hoạt động/Chứng chỉ hành nghề (đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc pháp luật có quy định); Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư (đối với doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài); Giấy ủy quyền (nếu có).

- Bản sao văn bản về việc người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31/3/2022 (đối với vay vốn trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh).

- Phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh.

- Bản sao thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của cơ quan thuế đối với người sử dụng lao động.

Thu Huyền

Các tin bài khác