Doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động

13/07/2021
(VBSP News) Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh chịu nhiều tác động bởi dịch Covid-19, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trong đó có chính sách về tín dụng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Giám đốc NHCSXH tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Triều.
SB3309-24

Với chính sách tín dụng ưu đãi sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp kịp thời trả lương cho người lao động ngừng việc

Phóng viên: Thưa ông, theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 thì những đối tượng nào được vay vốn ?

Trả lời:Đối với cho vay trả lương ngừng việc thì người sử dụng lao động được vay vốn tại NHCSXH với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động, trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.

Đối với cho vay trả lương phục hồi sản xuất thì người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 khi quay trở lại sản xuất kinh doanh và người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 được vay vốn tại NHCSXH với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Phóng viên: Nghị quyết số 68 có thuận lợi về đối tượng thụ hưởng?

Trả lời:Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP thì người sử dụng lao động được vay vốn tại NHCSXH để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế. Theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP quy định Người sử dụng lao động có doanh thu quý I năm 2020 giảm 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc doanh thu của quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019; có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; mức cho vay tối đa bằng 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế. Nghị quyết số 68/NQ-CP bổ sung đối tượng cho vay trả lương phục hồi sản xuất.

Phóng viên: Xin ông cho biết, mức cho vay, thời hạn cho vay và giải ngân như thế nào?

Trả lời: Theo Điều 39, Chương X, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 quy định vay vốn trả lương ngừng việc, mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động. Thời gian hưởng chính sách hỗ trợ tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Việc giải ngân của NHCSXH cho người sử dụng lao động đối với các tháng 5, 6 và 7 năm 2021 được thực hiện 1 lần. Thời hạn giải ngân đến hết ngày 05/4/2022 hoặc khi giải ngân hết 7.500 t đồng được NHNN cho vay tái cấp vốn tùy theo điều kiện nào đến trước.

Phóng viên: Thưa ông, thủ tục và những điều kiện để vay được vốn như thế nào?

Trả lời:Người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc khi có đủ các điều kiện như: Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022. Không có nợ xấu tại TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.

Người sử dụng lao động được vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh khi có đủ các điều kiện là đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.

Người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022. Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn. Có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn. Có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh. Không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn.Còn trình tự thủ tục xin vay vốn thì thực hiện theo Điều 40, Chương X của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị vay vốn chậm nhất đến hết ngày 25/3/2022. Trong 4 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động, NHCSXH phê duyệt cho vay. Trường hợp không cho vay thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do đến người sử dụng lao động.

Phóng viên: Thưa ông, hiện nay ngân hàng đang thực hiện các giải pháp nào để giúp doanh nghiệp nắm được thông tin chính sách tín dụng?

Trả lời:Để triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách theo đúng mục tiêu và nguyên tắc của Nghị quyết số 68/NQ-CP, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cung cấp thông tin liên quan đến các doanh nghiệp, người sử dụng lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ có nhu cầu vay vốn. Thông báo đến các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng biết về việc cho vay trả lương phục hồi sản xuất, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn thì lập hồ sơ và gửi về NHCSXH để được xem xét cho vay vốn. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ để các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, hội viên và Nhân dân biết và triển khai thực hiện kịp thời. Kịp thời thông tin kết quả thực hiện cho vay của NHCSXH.

Chi nhánh chủ động liên hệ và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, cơ quan đơn vị liên quan để nắm danh sách doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg để tư vấn, hỗ trợ lập hồ sơ vay.

Chỉ đạo các Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn báo cáo, tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo các phòng, ban, các cơ quan đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất để các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, biết và triển khai thực hiện kịp thời.

Xin cảm ơn ông!

Trần Xoàn

Các tin bài khác