Cán bộ 8x ở vùng cao Mù Cang Chải
Lê Đức Thắng hướng dẫn bà con sử dụng vốn vay đúng mục đích
Ảnh: Việt Hải
Lê Đức Thắng sinh năm 1983 tại xã Hà Hải, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) trong một gia đình nông dân nghèo. Hơn ai hết Thắng hiểu được cái khó của người nông dân có tư liệu sản xuất (đất đai) nhưng lại không có vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Năm 2004, qua thông tin Thắng biết được NHCSXH huyện Mù Cang Chải được thành lập và đang cần tuyển dụng cán bộ trẻ, có năng lực, tâm huyết về giúp người nghèo vùng cao phát triển kinh tế. Thắng hăng hái, tình nguyện lên vùng cao đặc biệt khó khăn Mù Cang Chải và anh đã vượt qua được vòng thi tuyển, được làm cán bộ tín dụng như hằng mơ ước.
Thắng tâm sự: “9 năm công tác tôi đã đến với hộ nghèo ở hầu hết 126 thôn, bản, tổ dân phố của cả 14 xã, thị trấn trong huyện. Khó khăn do gặp các sự cố như bị mưa lũ cắt đường phải mang vác “đồ nghề” đi bộ, nhịn đói, nhịn khát trong đêm tối giữa rừng đối với cán bộ tín dụng là chuyện bình thường. Cái khó nữa là người dân không có giấy chứng minh thư nhân dân nên làm bị vấp trong thủ tục cho vay. Nhưng khó nhất là bất đồng ngôn ngữ, không làm nổi việc. Nhớ những ngày đầu mới lên công tác có những hôm tôi đi giải ngân phải mất rất nhiều thời gian mới có thể giải ngân hết được vì phải đợi người phiên dịch. Có thể do “hoàn cảnh đưa đẩy” mà tôi đã quyết tâm học được thông thạo tiếng của đồng bào dân tộc nơi đây…”.
Tôi có dịp xuống cơ sở với Thắng trong một chuyến đi công tác ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha. Bà con gặp Thắng tay bắt, mặt mừng, cười cười, nói nói. Họ cảm ơn đã “mang tiền của Chính phủ cho bản làng vay đủ”. Nhờ đó, mà cuộc sống của họ đã xa dần đói nghèo, lạc hậu. Ông Khang A Trõ, bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha lưng đang gùi một bó cỏ to mà vẫn rảo bước trên đường cùng cán bộ Thắng để trò chuyện về con bò nhà ông có được nhờ vay vốn ưu đãi. Ông vui vì con bò đó đã đẻ được bê con. Ông đang đi cắt cỏ về phục vụ nó. Ông tâm sự: “Tôi thấy cán bộ ngân hàng tuy còn trẻ nhưng nhiều người đã nói được tiếng Mông. Nhất là cán bộ Thắng nên rất dễ hòa nhập. Đi đến đâu anh cũng chào hỏi rất trìu mến, thân tình như những người đi xa về”.
Chị Hảng Thị Chu ở bản Mý Háng Tâu, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải kể: Tình cờ dự một buổi họp bản có cán bộ NHCSXH xuống dự, tại cuộc họp được nghe cán bộ Thắng phổ biến về các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ, trong đó, có Chương trình cho vay học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Gia đình tôi mừng lắm vì đã tìm được tiền cho đứa con đi học trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Đến nay, gia đình tôi cũng đã được vay 56 triệu đồng vốn học sinh, sinh viên để cho 3 con tôi đi học trong suốt 5 năm qua. Nếu không có chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước thì chắc chắn các con của tôi khó mà có cơ hội đi học. Khó mà thoát ra được cái nghèo như bố mẹ chúng…”.
Với đặc thù của huyện có nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng chậm phát triển, sản xuất mang tính tự cung tự cấp, tỷ lệ đói nghèo cao (trên 80% theo tiêu chí mới), giao thông đi lại khó khăn. Song những năm qua NHCSXH huyện Mù Cang Chải luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Có được kết quả đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của những cán bộ tín dụng như Thắng. Đến nay, 100% xã, thị trấn trong toàn huyện đã có Điểm giao dịch, với 189 Tổ tiết kiệm và vay vốn, gần 11.400 lượt hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, với tổng vốn lên tới 63,8 tỷ đồng; 100% thôn, bản, tổ dân phố được tiếp cận với vốn vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ nguồn vốn vay, người nghèo đã mua được hàng nghìn con trâu, bò làm sức cày kéo và phát triển đàn gia súc, hàng nghìn con lợn giống về phát triển chăn nuôi, khai hoang hàng chục ha ruộng nước để phát triển sản xuất… Thực tế đồng vốn ưu đãi đã phát huy được hiệu quả ở Mù Cang Chải, góp phần vào thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Đồng chí Bùi Văn Hóa, Giám đốc NHCSXH huyện Mù Cang Chải giải bày thêm với chúng tôi: “Lê Đức Thắng là một trong những cán bộ được tuyển dụng từ những ngày đầu thành lập đơn vị, luôn có ý thức trách nhiệm cá nhân cao, tâm huyết với nghề nghiệp, hăng say nhiệt tình trong công tác, thực hiện tốt các quy định của ngành cũng như chính sách của địa phương. Mặc dù ở miền xuôi lên, song với thế mạnh, trẻ, khỏe và đầy nhiệt huyết, Thắng đã khắc phục mọi khó khăn, nhanh chóng hòa nhập với phong tục tập quán và học tiếng của người bản địa, bám trụ với mảnh đất này, đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của huyện…”.
Không chỉ là cán bộ tín dụng làm giỏi chuyên môn ngoài ra Thắng còn tham gia tích cực các phong trào, hoạt động khác do ngành và huyện phát động, Thắng đã được bầu làm Chủ tịch Công đoàn bộ phận, nhiều năm liền được Tổng giám đốc và Chủ tịch Công đoàn NHCSXH tặng Giấy khen.
Thanh Xuân
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Niềm tin vào NHCSXH của người nghèo và các đối tượng chính sách
- » Chất lượng tín dụng chính sách được nâng cao
- » Lãnh đạo NHCSXH làm việc với tỉnh Bình Dương
- » NHCSXH 10 năm một chặng đường
- » THÔNG CÁO BÁO CHÍ về việc tiếp tục tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại địa bàn xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk
- » Ban Lãnh đạo NHCSXH làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: “KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ CỦA TÍN DỤNG ƯU ĐÃI Ở KHU VỰC”
- » Điều chỉnh chính sách sâu sát hơn nữa để thực hiện xóa đói, giảm nghèo thực sự hiệu quả, bền vững
- » Cần tiếp vốn kịp thời cho hộ nghèo sản xuất
- » Tổng kết 10 năm hoạt động NHCSXH huyện Đức Trọng (Lâm Đồng)
- » Nghiên cứu mở rộng, nâng mức cho vay tín dụng đối với HSSV