An toàn tuyệt đối cho ngày bầu cử

18/05/2021
(VBSP News) Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là ngày hội của toàn dân. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Ngày bầu cử - ngày 23/5/2021, cơ bản đã hoàn thành về mọi mặt. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhiều khu vực trên cả nước đã và đang phải thực hiện giãn cách xã hội, cách ly y tế và phong tỏa, việc bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cuộc bầu cử cũng như đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh cho cử tri đi bầu cử là vô cùng quan trọng.

baucuHDND

Sẵn sàng cho ngày bầu cử

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ, chặt chẽ, đạt kết quả cao. Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường cho biết, qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy công tác chuẩn bị bầu cử đã bám sát chỉ thị của Bộ Chính trị, đúng kế hoạch, trình tự theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và Nghị quyết của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Hội đồng Bầu cử quốc gia đánh giá cao Ban Thường vụ các tỉnh, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử các cấp và các cơ quan từ trung ương tới cơ sở đã rất sát sao, phối hợp chặt chẽ, thể hiện quyết tâm, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép, vừa nghiêm túc phòng, chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thật tốt cho cuộc bầu cử lần này.

Nhiều địa phương có những sáng kiến, sáng tạo trong công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả, như: Công khai danh sách cử tri trên nền tảng mạng xã hội Zalo; lập sổ phản ánh để người dân có thể ghi kiến nghị đính chính, sửa đổi, bổ sung thông tin trong việc lập và niêm yết danh sách cử tri; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia các tổ chức bầu cử; ban hành phương án tổ chức bầu cử trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đảm bảo công bằng, dân chủ và điều chỉnh linh hoạt. Trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tổ chức các hoạt động bằng hình thức trực tuyến và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời chuẩn bị tốt cơ sở vật chất phục vụ cho cuộc bầu cử.

Theo Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới cũng như ở trong nước đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương, bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ chính trị, tích cực chuẩn bị công tác bầu cử còn phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Công tác chuẩn bị bầu cử cũng bị tác động, ảnh hưởng nhất định. Để công tác bầu cử diễn ra thuận lợi, thành công tốt đẹp, giảm thiểu các ảnh hưởng, tác động từ nguy cơ dịch bệnh trong trường hợp có lây lan, bùng phát, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có một số văn bản lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan như: Văn bản số 660/HĐBCQG-VP ngày 6/5/2021 về việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử; Văn bản số 234/HĐBCQG -TBVBPLTTTT của Hội đồng Bầu cử quốc gia hướng dẫn việc lập danh sách cử tri và phương án thực hiện bỏ phiếu đối với các trường hợp đang cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương có dịch bệnh phát sinh; Văn bản số 214/VPHĐBCQG-TT ngày 8/5/2021 về việc rà soát, cập nhật danh sách cử tri, phát thẻ cử tri trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19… Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Văn bản số 61/HD-MTTW-BTT ngày 4/5/2021 để Hướng dẫn về tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, công tác chỉ đạo, tổ chức bầu cử kết hợp phòng, chống dịch COVID-19 được tăng cường, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân từ việc tính toán các phương án tổ chức bầu cử đến tiếp xúc cử tri, hiệp thương và lập danh sách cử tri… đều gắn với phòng, chống COVID-19.

Công tác chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất và chuẩn bị các phương án bầu cử trong các tình huống khẩn cấp đã được dự lường. Hội đồng Bầu cử quốc gia đã yêu cầu các tổ chức phụ trách bầu cử có biện pháp chỉ đạo, theo dõi, kịp thời nắm bắt tình hình biến động của cử tri trong danh sách cử tri trên địa bàn để có phương án chuẩn bị số lượng phù hợp các hòm phiếu phụ, thẻ cử tri, phiếu bầu dự phòng và các điều kiện bảo đảm cần thiết khác cho công tác tổ chức bỏ phiếu trong Ngày bầu cử; bổ sung các con dấu “Đã bỏ phiếu” kèm theo hòm phiếu phụ, bảo đảm thuận tiện cho công tác bầu cử, sao cho các cử tri không thể đến được phòng bỏ phiếu vẫn thực hiện được quyền bầu cử của mình. Yêu cầu các tổ chức phụ trách bầu cử phối hợp cùng chính quyền địa phương các cấp có hình thức thông tin, tuyên truyền rộng rãi để cử tri nắm được nội dung hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia; tạo điều kiện thuận lợi nhất và bảo đảm để tất cả cử tri đều có thể thực hiện quyền bầu cử của mình.

Bảo đảm an toàn y tế

Thời gian qua, Hội đồng Bầu cử quốc gia, các bộ, ngành, địa phương vừa tập trung quyết liệt cho công tác phòng chống dịch bệnh, vừa tích cực chuẩn bị cho công tác bầu cử. Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, các cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.

Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch 538 về công tác y tế phục vụ bầu cử, tập trung 3 nội dung chính: Vệ sinh môi trường và an toàn COVID-19; an toàn thực phẩm; công tác cấp cứu và một số trường hợp đặc biệt. Bộ Y tế cũng đã tổ chức tập huấn cho các cơ sở từ tuyến huyện đến tuyến tỉnh, đồng thời đề nghị các tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát. Bộ cũng đã trực tiếp tham gia đoàn đi kiểm tra một số tỉnh. Về cơ bản, đối với công tác an toàn y tế cho bầu cử, các tỉnh có kịch bản tương đối chi tiết, cụ thể. Một vài tỉnh có điểm bầu cử nhỏ, đã được đề xuất giãn ra. Tới đây, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ để có hướng dẫn chi tiết, nhất là phương án đối với địa phương có dịch, bệnh nhân đang điều trị…

Bộ Quốc phòng đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử, kể cả tại các tuyến đảo, biên giới. Đến nay, các đơn vị đã sẵn sàng cho công tác bầu cử. Bộ Quốc phòng cũng đề nghị cần có kịch bản phù hợp với từng địa phương, nhất là công tác tổ chức bầu cử đối với khu cách ly tập trung, để Bộ chuẩn bị thật tốt, bảo đảm quyền công dân.

Ghi nhận các ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các bộ, ngành cần bám sát thẩm quyền theo quy định để chủ động xây dựng kịch bản nhằm triển khai công tác bầu cử trong điều kiện xảy ra dịch COVID-19. Theo đó, Bộ Y tế cần xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí đối với các địa phương như thế nào là có dịch và các biện pháp cụ thể đi kèm để các địa phương căn cứ vào đó quyết định. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cấp; bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự tại các điểm bỏ phiếu từ nay đến lúc bầu cử và ngày bầu cử. UBND các cấp phối hợp chỉ đạo chặt chẽ với các tổ chức phụ trách việc bầu cử ở địa phương, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ công tác bầu cử; tập trung cao độ công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn…

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thủ tướng chỉ đạo cần có văn bản đề nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia quy định việc tổ chức tiếp xúc cử tri và bỏ phiếu theo hình thức phù hợp trong điều kiện dịch bệnh. Thủ tướng đề nghị các cơ quan, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, thực hiện thật tốt cuộc bầu cử, bầu được những ứng viên xứng đáng là người đại diện của nhân dân, nhưng vẫn phải đảm bảo việc phòng chống dịch.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia cũng nêu rõ, một trong những quyết tâm của Hội đồng bầu cử quốc gia là không để các địa điểm bầu cử trở thành nơi lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, không để dịch bên ngoài xâm nhập vào và cũng không để lây nhiễm trong khu vực bầu cử. Trong khâu này, quan trọng nhất là tổ chức phân luồng tại địa điểm bầu cử, điều tiết lượng người đến các địa điểm bầu cử một cách khoa học, tránh tập trung vào một lúc, tránh ùn ứ, gây tắc ở điểm bầu cử, đảm bảo thực hiện 5K. Ngoài phòng bầu cử cần có bạt che mưa, nắng, kê ghế ngồi, có nước uống cho cử tri, nhất là người già yếu, người khuyết tật. Lực lượng chức năng tại khu vực bầu cử điều tiết để hoạt động bầu cử diễn ra nhanh và thông suốt, bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch.

Bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự

Để bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được tiến hành dân chủ, bình đẳng, an toàn, đúng pháp luật và thực sự là ngày hội của nhân dân cả nước, Bộ Công an đã có những bước chuẩn bị từ sớm, rất kỹ lưỡng về tất cả các mặt, trên khắp cả nước.

Ngay từ tháng 7/2020, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 45 về lãnh đạo cuộc bầu cử, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã xác định: Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn, phục vụ tổ chức thành công cuộc bầu cử là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn lực lượng Công an. Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị và Kế hoạch công tác công an bảo đảm an ninh, trật tự bầu cử, thành lập Tiểu ban An ninh, trật tự để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử.

Ngày 15/4/2021, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát giao thông tổ chức Lễ ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp lễ 30/4, 1/5, bảo vệ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tiểu ban An ninh, trật tự Bộ Công an đã ban hành 9 Phương án, Kế hoạch, trên 150 Điện chỉ đạo, văn bản thông báo, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương triển khai công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử; tổ chức 4 phiên họp, nhiều đợt kiểm tra, rà soát thông qua hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự cuộc bầu cử ở các địa phương, nhất là những khu vực trọng điểm, còn tiềm ẩn vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự.

Lực lượng Công an cả nước đã tập trung nắm tình hình bên trong, bên ngoài, tình hình từ cơ sở liên quan đến quá trình chuẩn bị, tổ chức bầu cử. Tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo xử lý, giải quyết ổn định tại chỗ nhiều vấn đề, vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn, bức xúc trong nội bộ nhân dân, không để phát sinh phức tạp về an ninh, trật tự. Đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa, làm thất bại các âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá cuộc bầu cử, chống phá công tác lựa chọn, giới thiệu nhân sự ứng cử.

Cùng với đó, làm tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự các Hội nghị hiệp thương, Hội nghị lấy ý kiến cử tri; xây dựng các phương án, kế hoạch bảo vệ khu vực bỏ phiếu, thùng phiếu; chủ động phương án bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ bầu cử tại các khu vực dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng. Liên tục mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, kéo giảm phạm pháp hình sự, phòng, chống nhập cảnh trái phép.

Lực lượng Công an tham gia bảo vệ ngày bầu cử không chỉ thực hiện các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự mà còn phải nắm vững và phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cử tri tham gia bầu cử, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, đến thời điểm này, các mặt công tác chuẩn bị bảo vệ an ninh, an toàn cho Ngày bầu cử 23/5 đã cơ bản hoàn thành một cách toàn diện, đồng bộ, chu đáo, cụ thể, kỹ lưỡng về tất cả các mặt, trên khắp cả nước. Ngày 12/5, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, giao nhiệm vụ và phát lệnh ra quân bảo đảm an ninh, trật tự ngày bầu cử, chuyển trạng thái sẵn sàng cao nhất trong toàn lực lượng, dành toàn tâm, toàn lực bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn ngày bầu cử trong mọi tình huống.

nguồn Báo Tin tức

Các tin bài khác