Thêm nguồn vốn, hàng nghìn lao động địa phương có việc làm

17/05/2021
(VBSP News) Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện nhiều giải pháp quan trọng để tạo việc làm cho lao động địa phương. Trong đó, đã quan tâm bố trí vốn ngân sách tỉnh, ngân sách các huyện, thành phố ủy thác sang NHCSXH thực hiện cho vay giải quyết việc làm đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ nguồn vốn ủy thác, nhiều cơ sở SXKD, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã có vốn đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương.
them-nguon-von-giup-hang-nghin-lao-dong-dia-phuong-co-viec-c71c3

Nhiều hộ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH đã đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập

Năm 2019, gia đình anh Mai Văn Chính ở thôn Nhân Phẩm, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô được NHCSXH cho vay 100 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm để đầu tư phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. Nhờ chăm chỉ làm ăn, chịu khó tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, ao nuôi tôm, vườn cây ăn quả, đàn gia cầm đã cho gia đình anh Chính thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Anh Chính cho biết: Trước đây nguồn thu nhập chính của gia đình chủ yếu phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Dù có chịu khó đến mấy cũng chỉ đủ ăn. Những lúc nông nhàn ai thuê gì vợ chồng tôi đều làm để có thêm nguồn thu nhập, trang tải, xoay sở cuộc sống hàng ngày. Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai ở đây rất phù hợp để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế tổng hợp. Cộng thêm gia đình có nhân lực đang ở độ tuổi lao động nên anh đã quyết định dùng nguồn vốn vay ưu đãi cải tạo đất trồng cây ăn quả, đào ao để nuôi tôm, nuôi thêm gà, ngan, vịt. Chính từ nguồn vốn ngân sách đại phương ủy thác sang NHCSXH đã giúp các thành viên gia đình anh có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và cuộc sống ngày càng tốt lên.

Không riêng gia đình anh Chính, những năm gần đây, nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH đã thực sự trở thành “trợ lực“ quan trọng tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, nâng cao thu nhập, qua đó góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Ninh Bình cho biết: Nhằm mục tiêu giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh, các cấp, các ngành đã vào cuộc để có thêm nguồn vốn, đồng thời nỗ lực để nguồn vốn đó thực sự phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân trên địa bàn tỉnh có vốn đầu tư SXKD. 

Đặc biệt những năm gần đây, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh và các địa phương đã dành một phần ngân sách ủy thác sang NHCSXH để bổ sung cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo đúng tinh thần Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. 

Ngay trong quý I/2021, UBND các cấp đã quan tâm ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là 44,3 tỷ đồng, đạt 177,2% kế hoạch giao; nâng tổng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đến nay là 167,6 tỷ đồng. 

Việc triển khai cho vay tín dụng ưu đãi nói chung và nguồn vốn ưu đãi của tỉnh nói riêng luôn được các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và NHCSXH đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy trình nghiệp vụ, phát huy hiệu quả và đáp ứng khá tốt nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng. 

Trong tổng nguồn vốn ngân sách ủy thác quý I/2021, NHCSXH tỉnh đã giải ngân 5 tỷ đồng cho vay đối với người khuyết tật theo Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 19/10/2020 của UBND tỉnh; 10 tỷ đồng cho vay Đề án thanh niên khởi nghiệp; 29,3 tỷ đồng dành cho vay các đối tượng thuộc chương trình giải quyết việc làm. 

Tính đến 30/4/2021, dư nợ cho vay từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương là hơn 140,6 tỷ đồng với trên 3.000 hộ còn dư nợ; trong đó, dư nợ cho vay chương trình giải quyết việc làm đạt trên 132,5 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn ủy thác đã có nhiều mô hình kinh tế được triển khai và mang lại hiệu quả, tạo ra thu nhập ổn định như: Mô hình trồng rau an toàn; mô hình nuôi cá vùng trũng; mô hình chăn nuôi đại gia súc; các mô hình kinh tế trang trại, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế lớn tại các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô, Yên Khánh…

Mặc dù nguồn vốn ủy thác địa phương chỉ chiếm trên 6% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, nhưng đã thể hiện sự quan tâm, cố gắng và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn ủy thác đã giúp cho hàng nghìn hộ có vốn đầu tư phát triển SXKD, tạo việc làm và vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài và ảnh Hương Giang

Các tin bài khác