Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách ở huyện Thạch Thành
Chúng tôi có mặt tại Điểm giao dịch ở xã Thành Hưng vào một ngày đầu xuân, mặc dù thời tiết mưa lạnh, nhưng người dân đến giao dịch vẫn đông. Cầm trên tay cuốn Sổ vay vốn, ông Nguyễn Văn Mạnh vui vẻ cho biết: Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ mới thoát nghèo, gia đình tôi đầu tư chăn nuôi gà thương phẩm. Đàn gà hơn 100 con vừa xuất bán cho thu nhập khá, tôi tiếp tục tái đầu tư chăn nuôi. Nhờ nguồn vốn NHCSXH, chúng tôi mới có điều kiện thoát nghèo, phát triển sản xuất.
Có thể khẳng định, các chương trình tín dụng chính sách có tính xã hội hóa cao, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả xã hội trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội của địa phương. Các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH huyện Thạch Thành thực hiện đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và gia đình chính sách.
Đồng thời, khẳng định vai trò, vị thế của nguồn vốn tín dụng chính sách trong việc tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Tính đến nay tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Thạch Thành đạt trên 460 tỷ đồng, với 11.833 khách hàng vay vốn, dư nợ bình quân đạt 39 triệu đồng/khách hàng. Một số chương trình tín dụng có dư nợ cao như cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo… Chất lượng tín dụng luôn được kiểm soát an toàn, còn 0,05% nợ quá hạn/tổng dư nợ, có 19/25 xã, thị trấn không có nợ quá hạn.
Để triển khai hiệu quả các nguồn vốn tín dụng, bảo đảm đúng đối tượng, NHCSXH huyện Thạch Thành đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền phân bổ nguồn vốn cho hộ vay từng xã, thị trấn tới tận thôn, xóm thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội và mạng lưới 177 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Cùng với đó, tranh thủ sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, thị trấn, ngân hàng chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của các hộ vay, bảo đảm người vay sử dụng vốn đúng mục đích, đôn đốc thu hồi tiền gốc, tiền lãi theo đúng thời gian quy định.
Ngoài kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng năm, NHCSXH huyện cũng tích cực kiểm tra đột xuất hoạt động tại các Điểm giao dịch xã và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay. Nhờ vậy, đã kiểm soát tốt việc cho vay, thu nợ, xử lý nợ theo đúng quy định, chấn chỉnh kịp thời các sai sót của đội ngũ cán bộ tín dụng, giao dịch. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn được kiện toàn, bố trí phù hợp với điều kiện thực tế mỗi thôn, xóm, đội sản xuất bảo đảm cho vay đúng đối tượng, giảm tỷ lệ nợ quá hạn.
Ngoài ra, các hộ dân tham gia vào Tổ tiết kiệm và vay vốn không chỉ được vay vốn mà còn được tương trợ, giúp đỡ trong sản xuất và đời sống, hỗ trợ chuyển giao KHKT, kinh nghiệm sản xuất để sử dụng vốn hiệu quả, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, tạo sự ổn định xã hội.
Thời gian tới, NHCSXH huyện Thạch Thành sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội của huyện thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách được giao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các đối tượng được thụ hưởng vốn vay nâng cao trách nhiệm trong việc sử dụng vốn vay, góp phần tăng thu nhập cải thiện đời sống người dân.
Bài và ảnh Lương Khánh
Các tin bài khác
- » Dấu ấn của vốn tín dụng chính sách trên cánh đồng Chương Mỹ
- » NHCSXH tỉnh Sóc Trăng tập trung nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
- » Người dân vùng biên thoát nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi
- » Tiếp vốn tạo sinh kế cho hộ mới thoát nghèo
- » Hỗ trợ tích cực cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài
- » Giảm nghèo bền vững từ cách làm phù hợp
- » Điểm tựa tin cậy của người nghèo
- » Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện tín dụng chính sách là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị
- » NHCSXH tỉnh Bạc Liêu triển khai nhiệm vụ năm 2021
- » Mở hướng làm ăn, vươn lên thoát nghèo