Niềm tin vào NHCSXH của người nghèo và các đối tượng chính sách
Trả lời cử tri, tôi luôn giải thích Chính phủ đã ban hành Nghị định về chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; đã thành lập NHCSXH hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, chuyên cho vay theo chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, giúp cho người nghèo thoát nghèo, người cận nghèo vươn lên khá giả; mặc dù ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng 3 năm gần đây, Quốc hội đã quyết định phân bổ mỗi năm trên 2.500 tỷ đồng để bảo đảm nguồn vốn cho vay ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách; đối tượng được vay vốn ưu đãi ngày càng được mở rộng, từ chỗ chỉ cho vay 3 chương trình, đến nay đã cho vay 18 chương trình, dự án. Qua tiếp xúc với cử tri, tôi thấy cử tri đánh giá cao sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và cho rằng việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác hiện đang được thực hiện với các thủ tục thuận tiện, các đối tượng thụ hưởng chính sách dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn; nhờ cơ chế mang tiền đến tận xã để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, NHCSXH đã tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa người vay với chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể ở cấp cơ sở.
Tuy vậy, từ ý kiến, kiến nghị của cử tri trong cả nước, với cương vị là đại biểu Quốc hội, được giao nhiệm vụ Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội tôi thấy còn nhiều điều trăn trở, rất mong được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, từng bước giải quyết, cụ thể là:
Nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng lớn nhưng nguồn vốn còn quá hạn hẹp, lại thiếu ổn định. Nguồn vốn cho vay Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, cho vay hộ nghèo làm nhà ở có thời điểm chưa được cấp kịp thời; mức vốn cho vay một số chương trình như: Xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở và cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn… còn thấp, chưa sát với thực tế biến động của giá cả thị trường, dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn không cao.
Các hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại 114 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được bổ sung tại Quyết định số 113/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ chưa được vay vốn tín dụng ưu đãi như các hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại các xã đặc biệt khó khăn tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007.
Nghị quyết số 80/2011/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, trình ban hành chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn cho đến nay chính sách này đã được ban hành.
Nghị định số 61/2006/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại các trường chuyên biệt ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Nghị định quy định hết thời hạn phục vụ theo quy định ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nếu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tình nguyện ở lại, tiếp tục công tác lâu dài thì được vay vốn làm nhà, làm kinh tế với lãi suất ưu đãi trả dần trong 10 năm, nhưng cho đến nay chính sách này vẫn chưa được thực hiện bởi chưa có văn bản hướng dẫn về việc cho vay vốn theo quy định nêu trên.
Hiện có đến 7 Bộ, ngành trực tiếp đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách tín dụng ưu đãi, trong khi đó, mỗi chính sách lại có đối tượng và điều kiện cho vay khác nhau; chương trình cho vay giải quyết việc làm hiện vẫn do cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp phê duyệt và quyết định cho vay; thực tế đã phát sinh sự chồng chéo, trùng lắp, có hộ gia đình cùng lúc được vay theo nhiều chương trình.
Luật các tổ chức tín dụng giao Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của NHCSXH nhưng NHCSXH hiện vẫn đang hoạt động theo quy định của Điều lệ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 16/2003/QĐ-TTg.
Luật giáo dục và Nghị định quy định chi tiết thi hành luật quy định: “Nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi về lãi suất, điều kiện và thời hạn vay tiền để người học thuộc gia đình có thu nhập thấp có điều kiện học tập”, tuy nhiên cho đến nay, chưa có văn bản quy định về tiêu chí hộ gia đình có thu nhập thấp theo quy định của luật này.
Bên cạnh số hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất đã vươn lên thoát nghèo thì vẫn còn không ít hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn nhưng do trình độ sản xuất còn lạc hậu nên đầu tư sản xuất, kinh doanh còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, dễ phát sinh rủi ro, sử dụng vốn hiệu quả thấp; trong khi đó, công tác phối hợp, quản lý, hướng dẫn của cơ quan, tổ chức ở địa phương chưa được kịp thời.
Còn thiếu cơ chế gắn kết thống nhất và hiệu quả để lồng ghép, phối hợp giữa các chương trình, dự án kinh tế - xã hội trên địa bàn, giữa hoạt động tín dụng của NHCSXH với các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao công nghệ, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ; bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của địa phương được giao nhiệm vụ quản lý hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn với các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc vay vốn tín dụng ưu đãi và NHCSXH còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ.
Ngày 10/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 852/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển của NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020, theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: Tín dụng chính sách xã hội là giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách cơ bản và bền vững; tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH để thực sự là công cụ thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững; nguồn vốn hoạt động của NHCSXH chủ yếu do Nhà nước cấp; bảo đảm để 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp; ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở các vùng khó khăn; hộ cận nghèo được vay vốn với lãi suất tiếp cận dần với lãi suất thị trường; hộ không thuộc diện hộ nghèo cũng được hưởng một số chính sách tín dụng ưu đãi…
Từ thực tiễn hoạt động đại biểu của mình, tôi tin rằng chiến lược nêu trên sẽ được thực hiện có hiệu quả trên thực tế. Tuy vậy, có một điều rất băn khoăn, trăn trở cần đề cập để cùng trao đổi, đó là: Ngoài NHCSXH, hiện còn có Ngân hàng Phát triển cũng là Ngân hàng chính sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, chỉ khác NHCSXH ở chỗ, đối tượng cho vay là các tổ chức kinh tế, mục đích cho vay để đầu tư phát triển và kinh doanh xuất khẩu với lãi suất ưu đãi; thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã khởi tố một số đối tượng ngoài xã hội, lợi dụng sơ hở, móc nối với một số cán bộ thoái hóa biến chất trong Ngân hàng Phát triển để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng; một số doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi có biểu hiện chây ỳ trong việc trả nợ. Vì vậy, theo tôi cần sớm tổng kết hoạt động của Ngân hàng Phát triển để có sự so sánh về cơ chế và hiệu quả hoạt động giữa 2 ngân hàng này; trong điều kiện nguồn vốn Nhà nước còn hạn hẹp như hiện nay, nếu chỉ tổ chức một Ngân hàng chính sách, thay vì có 2 ngân hàng như hiện nay thì sẽ tập trung được nguồn vốn để cho vay, vừa góp phần xóa đói, giảm nghèo, vừa thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững hơn.
Trên đây là suy nghĩ của tôi về một số vấn đề liên quan đến hoạt động của NHCSXH; kính chúc tập thể Lãnh đạo, cán bộ, viên chức NHCSXH sức khỏe, hạnh phúc và thắng lợi, hết lòng vì sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Hà Công Long
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Chất lượng tín dụng chính sách được nâng cao
- » Lãnh đạo NHCSXH làm việc với tỉnh Bình Dương
- » NHCSXH 10 năm một chặng đường
- » THÔNG CÁO BÁO CHÍ về việc tiếp tục tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại địa bàn xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk
- » Ban Lãnh đạo NHCSXH làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: “KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ CỦA TÍN DỤNG ƯU ĐÃI Ở KHU VỰC”
- » Điều chỉnh chính sách sâu sát hơn nữa để thực hiện xóa đói, giảm nghèo thực sự hiệu quả, bền vững
- » Cần tiếp vốn kịp thời cho hộ nghèo sản xuất
- » Tổng kết 10 năm hoạt động NHCSXH huyện Đức Trọng (Lâm Đồng)
- » Nghiên cứu mở rộng, nâng mức cho vay tín dụng đối với HSSV
- » Ba hỗ trợ dành cho dân bị thu hồi đất nông nghiệp