Hiệu quả từ các Điểm giao dịch xã ở Ninh Bình

04/03/2020
(VBSP News) Những năm qua, NHCSXH tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai hiệu quả hoạt động của các Điểm giao dịch xã. Qua đó, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
NHCSXH tỉnh Ninh Bình giải ngân vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã Gia Lâm

NHCSXH tỉnh Ninh Bình giải ngân vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã Gia Lâm
                                                                                                                       Ảnh: TTXVN

Chúng tôi có dịp dự buổi giao dịch cố định hàng tháng của NHCSXH tại Điểm giao dịch xã Khánh Vân, huyện Yên Khánh. Mặc dù chưa đến giờ làm việc nhưng các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng nhiều hộ dân đã tập trung đầy đủ tại hội trường của UBND xã. Qua trao đổi, người dân đều rất phấn khởi khi cán bộ NHCSXH về tận xã thực hiện các giao dịch.
Bà Trần Thị Hòa ở xóm 2, Xuân Tiến, xã Khánh Vân chia sẻ: Cách đây 3 tháng, thông qua Hội Phụ nữ, tôi được NHCSXH huyện cho vay hộ nghèo. Có vốn, tôi đầu tư nuôi bò sinh sản để phát triển kinh tế gia đình. Tôi vui mừng vì được vay vốn ưu đãi và vui hơn nữa khi các thủ tục vay vốn, trả lãi, gốc đến hạn đều được thực hiện ngay tại Điểm giao dịch xã.
Cũng đến nộp lãi vay chương trình hộ cận nghèo theo quy định, chị Nguyễn Thị Liên ở xóm 3 cho biết: Cán bộ ngân hàng về tận xã thực hiện giao dịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Mọi thủ tục vay vốn, trả lãi, gốc đến hạn đều được thực hiện nhanh gọn, giúp người dân tiết giảm thời gian và công sức, đồng thời đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, các cán bộ ngân hàng còn nhiệt tình, chu đáo, không chỉ thực hiện quy trình nghiệp vụ mà còn tuyên truyền, hướng dẫn để người dân nắm bắt nhanh những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước về tín dụng ưu đãi.
Hiện nay, NHCSXH tỉnh Ninh Bình đang thực hiện các hoạt động giao dịch tại 145 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn. Tại các Điểm giao dịch tại xã đều được niêm yết công khai đầy đủ thủ tục giải quyết công việc của NHCSXH; công khai dư nợ; thông báo chính sách tín dụng ưu đãi… theo đúng quy định. Tham gia giao dịch, các cán bộ NHCSXH thực hiện cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động vốn, triển khai các chính sách mới, giao ban với các đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn và họp với lãnh đạo xã giải quyết các trường hợp đặc biệt để tìm giải pháp phát huy tốt nhất hiệu quả nguồn vốn chính sách.
Hoạt động tại các Điểm giao dịch xã được thực hiện nghiêm túc theo đúng ngày quy định trong tháng, kể cả ngày đó vào ngày nghỉ cuối tuần. Các buổi giao dịch có sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, các hội, đoàn thể và lực lượng an ninh xã nên luôn bảo đảm an toàn về người và tài sản trong quá trình giao dịch. Hiện nay, trên 95% các hoạt động giao dịch của NHCSXH được tổ chức tại các Điểm giao dịch xã.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Điểm giao dịch xã, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thuận lợi, tiết giảm chi phí, đồng thời thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực thi tín dụng chính sách, NHCSXH tỉnh đã ban hành tiêu chí xây dựng Điểm giao dịch xã tiêu biểu trong phạm vi.
Theo kế hoạch, đến hết tháng 3/2020, 100% Điểm giao dịch xã trên địa bàn tỉnh đều được nâng cao chất lượng, hiệu quả giao dịch theo các tiêu chí của Điểm giao dịch xã tiêu biểu. Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh Ninh Bình còn tập trung chỉ đạo nâng cao năng suất hoạt động của Điểm giao dịch xã, rút ngắn thời gian giao dịch giảm từ 60 - 90 phút; tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định về hoạt động giao dịch xã.
Hiện nay, các Điểm giao dịch xã đang phát huy hiệu quả tốt, trở thành mạng lưới hoạt động rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Thông qua hoạt động của các Điểm giao dịch xã, NHCSXH tỉnh đã truyền tải đồng vốn chính sách đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách nhanh nhất, tiết giảm được chi phí đi lại cho người dân, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và làm quen với các dịch vụ ngân hàng. Cũng thông qua hoạt động này, NHCSXH cung cấp dịch vụ tiết kiệm cho người dân ngay tại nơi cư trú. Từ đó, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hồng Giang

Các tin bài khác