Đồng tâm hợp lực giúp người dân thoát nghèo

23/12/2019
(VBSP News) Bắc Trà My là một huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam với 17 đồng bào DTTS sinh sống vẫn đang duy trì tập quán sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu; tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%. Trước tình hình đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các đơn vị, ban ngành, hội, đoàn thể cùng với NHCSXH tham gia chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến từng hộ nghèo, từng hộ đồng bào dân tộc nghèo vùng xâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi để họ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
Đồng bào DTTS ở Bắc Trà My sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển chăn nuôi bò

Đồng bào DTTS ở Bắc Trà My sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển chăn nuôi bò

Những năm qua, NHCSXH huyện Bắc Trà My luôn quan tâm ưu tiên, tạo điều kiện cho các hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn vay vốn ưu đãi xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tính đến nay, tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện Bắc Trà My đạt 189 tỷ đồng (chiếm 48% tổng dư nợ) với gần 7 nghìn hộ vay vốn.
Từ đó, hàng nghìn hộ gia đình ở huyện Bắc Trà My đã chủ động thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng lựa chọn, xây dựng các mô hình, loại hình sản xuất hàng hóa phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao. Điển hình ở các xã Trà Tân, Trà Dương, nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu nhờ chuyển đổi hàng nghìn héc - ta lúa rẫy, vườn tạp năng suất thấp, hiệu quả kém sang trồng rừng keo, lá chàm, phát triển cây cao su tiểu điền. Hiện, toàn huyện có hơn 9.000ha diện tích rừng keo, lá chàm và các cây công nghiệp. Lượng gỗ keo khai thác được khá cao, mỗi năm đạt trên 70.000m3 với giá bán bình quân 1 triệu đồng/m3. Đời sống của bà con trong thôn dần ổn định, kinh tế gia đình phát triển với thu nhập bình quân đạt từ 200 triệu - 300 triệu đồng/năm. Gia đình anh Hồ Văn Hiếu, dân tộc Kor, ở thôn 1, xã Trà Đốc từ một hộ nghèo khó khăn nay đã trở thành “triệu phú”. Sau khi vay vốn NHCSXH, anh Hiếu đã đầu tư khai thác 30ha keo mang lại hiệu quả kinh tế cao với giá bán 280 triệu đồng một phần diện tích keo nguyên liệu. Không chỉ có riêng gia đình anh Hiếu mà 170 hộ dân ở thôn 1 đều để phát triển kinh tế, trồng rừng, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa từ đồng vốn ưu đãi của NHCSXH.
Tại xã tái định cư Trà Bui, nhờ vào nguồn vốn ưu đãi , việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ật nuôi theo hướng tận dụng ưu thế bản địa đã mang lại thu nhập, ổn định, thoát cảnh đói nghèo cho đồng bào dân tộc. Dẫn chúng tôi tới thăm vườn chuối tươi tốt, ông Hồ Văn Năm, thôn Suối Reo phấn khởi nói: “Mấy năm nay, nhờ việc vay vốn ưu đãi thuận lợi cùng sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp về trồng giống chuối tiêu hồng mà kinh tế gia đình tôi khá giả. Ngoài diện tích trồng keo 5 năm mới cho thu nhập, cây chuối trở thành cây ngắn ngày, giúp gia đình cải thiện đời sống”.
Với việc triển khai thực hiện đồng bộ, lồng ghép các giải pháp, các chương trình mục tiêu giảm nghèo, trong đó có sự tác động thiết thực của kênh vốn ưu đãi đành cho hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, vùng núi cao Bắc Trà My đã thay đổi từng ngày. Tuy tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao; nhiều hộ đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa chưa tiếp cận được nguồn vốn chính sách do chưa nắm vững thông tin, hoặc một số ít đồng bào dân tộc chưa biết cách làm ăn nên không có nhu cầu vay vốn. Bởi vậy, công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con mạnh dạn vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả là việc làm rất cần thiết, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành tiếp tục quán triệt và phát động nhiều phong trào giảm nghèo hơn nữa. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, nhận thức cho bà con về tín dụng chính sách nhất là xóa bỏ tư tưởng không muốn thoát nghèo, trông chờ ỷ lại để hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Đây không chỉ là việc riêng của NHCSXH hay của các hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS mà là trách nhiệm chung, thường xuyên của cả hệ thống chính trị của các cấp ngành đồng tâm hiệp lực, dựng xây cuộc sống no đủ, bình yên cho vùng nông thôn miền núi này.

Bài và ảnh Đông Dư

Các tin bài khác