Vốn đến tay, nhà nông cố đô nghĩ lớn, làm lớn

05/02/2020
(VBSP News) “Được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH tỉnh Ninh Bình, tôi đầu tư mua thêm đá nguyên liệu, máy xẻ, máy mài; tuyển thêm lao động phụ giúp, nâng công suất sản xuất từ vài sản phẩm/tháng lên hàng chục sản phẩm/tháng...”. Đó là chia sẻ của anh Đỗ Văn Chinh ở thôn 12, xã Đông Sơn, TP Tam Điệp (Ninh Bình).
Xưởng chế tác đá của anh Đỗ Văn Chinh mở rộng sản xuất sau khi tiếp cận được vốn vay ưu đãi

Xưởng chế tác đá của anh Đỗ Văn Chinh mở rộng sản xuất sau khi tiếp cận được vốn vay ưu đãi

Mở rộng quy mô
Anh Đỗ Văn Chinh là một trong những hộ sản xuất đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ NHCSXH tỉnh Ninh Bình. Anh Chinh chia sẻ: “Cuối năm 2017, được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH, anh đã đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ cho xưởng đá”.
Hiện nay, mỗi tháng trừ chi phí nguyên liệu, nhân công, xưởng sản xuất của anh Chinh cho lợi nhuận gần 50 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4,5 - 7 triệu đồng/người/tháng tùy vào tay nghề.
Tương tự anh Chinh, gia đình ông Phạm Hồng Trình, thôn Phú Nhuận, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn cũng đã vươn lên có cuộc sống khá giả từ nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH.
Năm 2016, với số tiền vay 50 triệu đồng, ông đầu tư làm hệ thống ao nổi để nuôi cá, ngoài ra ông còn mở rộng chăn nuôi thêm gà, lợn, chim bồ câu… Hiện tại, mỗi năm, từ nuôi thủy sản ông có thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Nhân rộng mô hình hiệu quả
Anh Chinh và ông Trình chỉ là 2 trong số hàng chục nghìn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH tỉnh Ninh Bình.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Hằng cho biết: Xác định vốn vay là nguồn lực quan trọng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách nên đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp để huy động nguồn lực, nắm bắt nhu cầu, giải ngân kịp thời.
Để tạo thêm nguồn lực vốn vay cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn, năm 2016, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 04 về giảm nghèo bền vững ở Ninh Bình giai đoạn 2016 - 2020, theo đó mỗi năm ngân sách các cấp trích bổ sung cho nguồn vốn vay tín dụng để phục vụ chương trình giảm nghèo: Cấp tỉnh tối thiểu 5 tỷ đồng/năm, cấp huyện tối thiểu 500 triệu đồng/năm.
Trong gần 18 năm qua đã có 430.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được vay vốn; qua đó giúp trên 66.000 hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 121.000 lao động; giúp hơn 106.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập…

Bài và ảnh Đức Thịnh

Các tin bài khác