Hải Hà xây dựng nông thôn mới từ nguồn vốn ưu đãi
Trong những năm qua, hàng trăm lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã được NHCSXH huyện cho vay vốn vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế thông qua ủy thác cho 4 tổ chức chính trị - xã hội và mạng lưới 223 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở 16 xã, thị trấn, 118 thôn bản, khu phố.
Đến nay, tổng dư nợ cho vay toàn huyện đạt trên 292 tỷ đồng, với 6.736 hộ gia đình, dự án còn dư nợ. Trong giai đoạn 2010 - 2019, doanh số cho vay đạt 688,8 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu vào một số chương trình tín dụng như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo trên 325 tỷ đồng, cho vay NS&VSMTNT 110 tỷ đồng, cho vay sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trên 115 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm 58 tỷ đồng, cho vay hộ nghèo làm nhà ở trên 8 tỷ đồng… Doanh số thu nợ đạt 603,2 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 9.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn, 1.150 lượt HSSV được vay vốn học tập, 8.230 lượt hộ được vay vốn chương trình NS&VSMTNT, trên 500 ngôi nhà ở hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn sửa chữa và xây mới.
Chị Đặng Thị Thiện, hội viên phụ nữ thôn 4, xã Quảng Điền là một ví đụ điển hình trong công tác phát triển kinh tế, thoát nghèo. Năm 2014, gia đình chị Thiện chuyển từ Cẩm Phả về thôn 4 sinh sống, kinh tế gặp nhiều khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã Quảng Điền. Được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng, gia đình đầu tư nuôi 500 con gà thương phẩm. Khi nuôi gà có lãi và trả được hết nợ, gia đình chị đầu tư nuôi thêm 600 con vịt đẻ và 5 con lợn nái. Năm 2016, NHCSXH huyện tiếp tục cho chị Thiện vay 50 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ việc làm, gia đình chị mở rộng chăn nuôi với 1.200 con gà thương phẩm, 1.000 con vịt đẻ trứng, 20 con lợn nái, 60 con lợn thương phẩm, 500 cây ăn quả các loại. Từ một hộ nghèo, gia đình chị Thiện đã vươn lên phát triển kinh tế với thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Đến nay, gia đình chị đã xây được ngôi nhà khang trang, mua được xe ôtô và nhiều đồ dùng có giá trị. Nhiều người ở xa đã tìm đến học tập kinh nghiệm làm ăn của gia đình, chị Thiện cũng thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ các hội viên phụ nữ khó khăn, hội viên phụ nữ đang làm mô hình chăn nuôi và trồng cây ăn quả.
Giám đốc NHCSXH huyện Hải Hà Vũ Thị Kim Thanh cho biết: Trong thời gian tới ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng chính sách gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm tại địa phương. Theo đó, sẽ tập trung nâng cao năng lực hoạt động và chất lượng của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, các Điểm giao dịch xã; rà soát cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều theo tiêu chí chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, hộ mới thoát nghèo, chương trình NS&VSMT, giải quyết việc làm, nhà ở hộ nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và chuyển nguồn vốn tới đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về nguồn vốn, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.
Hữu Việt
Các tin bài khác
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 3 - Kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 2 - Để cho những vườn nho trĩu quả (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 1 - Điểm tựa của đồng bào (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Tín dụng chính sách - Công cụ hữu hiệu giảm nghèo bền vững
- » Những vườn đào đơm hoa từ vốn tín dụng chính sách
- » Sức sống mới trên vùng chè Thái Nguyên
- » Tín dụng chính sách động lực xóa đói, giảm nghèo
- » Niềm vui thoát nghèo từ vốn vay chính sách
- » Khi “cánh tay nối dài” dẫn vốn ưu đãi tới người nghèo
- » Bình Dương sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW