Cầu nối vốn chính sách với hội viên nghèo

08/01/2019
(VBSP News) Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có đến 62/108 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn và trên 85% đồng bào DTTS sinh sống, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là người Mông, Mán, Khơ Mú... chiếm hơn 1/2 số hộ toàn tỉnh.
Mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ đồng bào DTTS ở huyện Phong Thổ (Lai Châu)

Mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ đồng bào DTTS ở huyện Phong Thổ (Lai Châu)

Từ đặc thù đó, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu trong quá trình thực hiện hợp đồng ủy thác với NHCSXH đã tập trung ưu tiên chuyển tải đến đúng các thôn bản khó khăn và hộ dân nghèo.

Hiện nay các cấp Hội Nông dân ở 8 huyện, thành phố và 108 xã, phường đã nhận ủy thác 600 tỷ đồng của 16 chương trình tín dụng chính sách, trong đó có 3 chương trình tín dụng dành riêng cho đồng bào DTTS, chiếm 38,2% tổng dư nợ của NHCSXH.

Liên tục 16 năm qua, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đã coi trọng công tác chỉ đạo các hội cơ sở trong việc phối hợp chặt chẽ với NHCSXH, chính quyền tại địa bàn làm tốt khâu kiểm tra, rà soát thống kê chính sách các đối tượng có đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn ưu đãi đầu tư cho SXKD.

Để đồng vốn phát huy hiệu quả, Hội Nông dân đã liên kết cùng các ban ngành chức năng tổ chức tập huấn nghiệp vụ tín dụng ngân hàng và công tác khuyến nông, khuyến lâm tới đội ngũ cán bộ chủ chốt của Hội và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn. Việc làm này trở thành một trong những tiêu chuẩn bình xét phân loại trong phong trào nông dân thi đua sử dụng vốn vay hiệu quả, sản xuất giỏi.

Cùng với đó, Hội Nông dân đã tích cực tuyên truyền đến gia đình hội viên, hộ đồng bào DTTS nghèo về cách thức sử dụng vốn vay ưu đãi sao cho đúng mục đích, đạt kết quả cụ thể cũng như lồng ghép nguồn vốn vay với việc chuyển giao KHKT, giúp hội viên nông dân, bà con dân tộc thiểu số hăng hái chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, vươn lên làm giàu chính đáng.

Nguồn vốn cho vay từ 13 chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó có 3 chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn đã đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của đông đảo hội viên nông dân là người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn có điều kiện thuận lợi đầu tư sản xuất, vượt khó thoát nghèo bền vững. Đáng kể đến đồng vốn ưu đãi đã tạo đà tiếp sức cho bà con dân tộc Mông, Dao, Khơ Mú, xây dựng mô hình nuôi trâu, bò tập trung ở xã Nậm Manh, Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn; nuôi cá hồi của người La Hủ tại xã Bản Giang, huyện Tam Đường; Đồng vốn ưu đãi cũng góp công sức lớn làm xuất hiện nhiều gương sáng đồng bào DTTS đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, tỉnh. Tiêu biểu là hộ ông Lò Văn Thệ ở bản Chiềng Lê, huyện Tân Uyên; gia đình anh Điên Văn Chiêm ở bản Chang, xã Lê Lợi, huyện Phong Thổ sử dụng vốn vay cải tạo đồi hoang thành vườn cây ăn quả xum xuê, thu nhập cả trăm triệu đồng một năm.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lai Châu phần lớn hộ đồng bào DTTS đã được tiếp cận với gần 1.700 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi. Nguồn vốn từ NHCSXH đã giúp cho hàng nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn là con em đồng bào dân tộc vùng cao biên giới được về thành phố thực hiện ước mơ của tuổi trẻ trên giảng đường các trường đại học, cao đẳng, học nghề, đồng thời hỗ trợ gần 8.000 lao động vùng dân tộc miền núi có việc làm ổn định.

Thông qua chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước và sự tích cực thực hiện ủy thác của hội, đoàn thể, các hộ đồng bào DTTS nghèo vùng cao của tỉnh Lai Châu đã được tiếp cận kịp thời, đầy đủ nguồn vốn vay, đầu tư hiệu quả vào SXKD, thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Vai trò của các cấp hội, trong đó có hội nông dân ngày càng vững mạnh, từng bước được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần bảo đảm an ninh xã hội trên vùng miền núi dân tộc.

Bài và ảnh Đông Dư - Phan Anh

Các tin bài khác