Khát vọng đổi đời của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận

24/07/2018
(VBSP News) Với đồng bào Chăm ở dải đất tỉnh Ninh Thuận, trong hành trình phát triển kinh tế, nguồn vốn tín dụng chính sách đã luôn sát cánh và là “điểm tựa” tiếp sức cho đồng bào Chăm trên địa bàn có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất. Nguồn vốn thiết thực này đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Chị Châu Thị Nắng ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải đầu tư vào chăn nuôi và đã phát huy hiệu quả, thoát nghèo bền vững

Chị Châu Thị Nắng ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải đầu tư vào chăn nuôi và đã phát huy hiệu quả, thoát nghèo bền vững

Hiện nay, tại tỉnh Ninh Thuận có khoảng 75.000 người Chăm sinh sống, chiếm trên 30% dân số của cả tỉnh. Qua 46 năm tái lập tỉnh đến nay, đời sống của bà con người Chăm đã có bước chuyển biến toàn diện trong phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo từng bước được giảm dần với tỷ lệ 2 - 3% mỗi năm. Bên cạnh ý chí, nỗ lực vươn lên trong sản xuất của người dân, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế của mỗi gia đình chính là sự đầu tư của nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp bà con mở rộng quy mô sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi đối với đồng bào Chăm, trong nhiều năm qua, NHCSXH tỉnh Ninh Thuận luôn chủ động đưa nguồn vốn đến với người dân một cách nhanh chóng, nhất là đồng bào DTTS.

Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2018, NHCSXH tỉnh Ninh Thuận đã tập trung giải ngân 13 chương trình tín dụng ưu đãi cho trên 1.340 hộ là đồng bào Chăm, với số tiền gần 35,5 tỷ đồng, nâng tổng số hộ cho vay đến nay lên trên 11.000 hộ.  Bên cạnh việc đảm bảo 100% vốn ưu đãi đến với người dân, đơn vị còn tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức nhận ủy thác đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn hộ vay xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Huyện Ninh Phước là địa bàn tập trung đông đảo người Chăm sinh sống với trên 13.200 hộ. Thời gian qua, với sự hỗ trợ và những chính sách đặc thù của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc nên đời sống của bà con có những chuyển biến đáng kể. Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH đã tạo động lực mạnh mẽ giúp cho hàng ngàn hộ gia đình người Chăm được tiếp cận vốn đầu tư phát triển kinh tế như: trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán… mở ra cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Đến thăm gia đình chị Châu Thị Nắng ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, là gương điển hình về vay và sử dụng vốn hiệu quả. Được biết, trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo nhất nhì tại địa phương, đất sản xuất chỉ vẻn vẹn 4 sào lại thuộc vùng đất không chủ động nước nên việc canh tác gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2008, được Hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp vay 10 triệu đồng từ NHCSXH, chị đầu tư mua bò về nuôi, sau nhiều năm gây dựng, từ 1 con ban đầu đã tăng lên thành 8 con. Năm 2014, chị quyết định bán bớt 2 con bò lấy vốn cải tạo lại đất, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 1,5 sào đậu phộng và trồng thêm 2,5 sào nho. Từ việc xây dựng mô hình quy củ, đã cho thu nhập ổn định trên 50 triệu đồng/năm. Năm 2016, gia đình chị chính thức xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

Hay trường hợp hộ ông Bá Khánh ở thôn Hoài Trung, xã Phước Thái cũng từ một hộ khó khăn, nhờ được vay vốn và chí thú làm ăn nên đã thoát nghèo, cuộc sống ngày một khấm khá hơn. Ông Sang chia sẻ: “Năm 2008, gia đình tôi được vay 8 triệu đồng của NHCSXH, tận dụng đất vườn sau nhà, tôi mua 4 con dê nuôi theo hình thức sinh sản kết hợp trồng cỏ. Từ việc đảm bảo nguồn thức ăn, tiêm phòng đầy đủ, nhờ vậy mà đàn dê phát triển khỏe mạnh, sinh sản nhanh, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Giờ không chỉ trả hết số tiền vay mà gia đình còn có điều kiện sắm sửa các vật dụng sinh hoạt, nuôi con ăn học”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước Nguyễn Hữu Đức nhìn nhận: “Là một huyện có đông người Chăm sinh sống, kinh tế của người dân gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Thông qua nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH được xem là “đòn bẩy” và cũng là “điểm tựa” giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách tại địa phương có vốn ban đầu gây dựng cơ sở làm ăn. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có trên 6.800 hộ vay vốn với tổng dư nợ gần 180 tỷ đồng. Dư nợ bình quân cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc Chăm khoảng 26 triệu đồng/hộ. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, huyện cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát các hộ vay vốn, lựa chọn mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp để bà con đầu tư sản xuất. Qua khảo sát thực tế, đa số những hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả nhất định”.

Bên cạnh việc chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến với người dân, hằng quý NHCSXH các cấp đều phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp mở lớp tập huấn về nâng cao công tác tín dụng chính sách, củng cố hoạt động mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn ở những vùng có đồng bào Chăm sinh sống. Đồng thời, chủ động lồng ghép vốn tín dụng chính sách với các dự án, chương trình khuyến nông, khuyến lâm… nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.

Có thể nói, chính sách cho vay ưu đãi của NHCSXH không chỉ giúp bà con người Chăm có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất mà còn góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy kinh tế phát triển. Theo Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Ninh Thuận, để triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi đối với đồng bào Chăm trong thời gian tới NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thực hiện tốt hoạt động tín dụng; đẩy mạnh giải ngân, rà soát đối tượng vay vốn đảm bảo đúng tiêu chí hưởng lợi. Từ đó giúp người dân có cơ hội phát triển kinh tế, góp phần đắc lực cùng với chính quyền địa phương thực hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

Bài và ảnh Hồng Lâm

Các tin bài khác