Tín hiệu tốt của xã thuần nông

16/07/2018
(VBSP News) Xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) là một trong những xã thuần nông. Mùa này, các ngả đường vào các thôn, xóm đi đâu cũng thơm nức mùi mật mía, bên cạnh đó là những bãi cam xanh mướt, những trang trại dê, gà, vịt... Những năm gần đây nhờ được vay vốn tín dụng chính sách của NHCSXH huyện Nghĩa Đàn, quê nghèo xuất hiện nhiều trang trại, nhiều mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả, có thu nhập ổn định nên số thanh niên tha phương tìm kiếm việc làm giảm dần.
image001

Nhiều hộ gia đình ở làng Găng góp vốn mua máy ép mía thay sức người

Theo chân ông Phạm Văn Lan - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng chúng tôi ghé thăm gia đình ông Phạm Văn Bình khi gia đình đang hăng say làm mật mía. Ông Lan cho biết, trong xóm nhiều gia đình làm mật mía để bán nên kinh tế cũng phần nào ổn. Gia đình ông được vay 30 triệu đồng vốn hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn của NHCSXH, chung với một hộ trong xóm nữa mua máy móc, thiết bị để làm mật mía, sẵn với nguyên liệu là mía trồng được. “Mỗi ngày 5 người vừa ép mía, vừa nấu, vừa đi chặt mía cũng được 4 phi mật. Mỗi phi bán được với giá hơn 3 triệu đồng, nên cũng có đồng ra đồng vào…”, ông Bình nói.

Ông Võ Đình Khoa - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm 13 cho biết, cả xóm có 34 thành viên, hộ nào cũng được vay vốn chính sách để phát triển kinh tế. Hằng năm, làng nghề sử dụng trên 1.000 lao động. Ông Trương Văn Hòa và bà Trương Thị Hiền là khách hàng ở xóm 13, được vay 30 triệu đồng/hộ, chương trình hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn, cùng góp vốn xây lò, mua máy ép mía, nấu mật, giải quyết việc làm cho 5 người, thu nhập 200 nghìn đồng/người/ngày. Ông Hòa cho biết: sẵn với nguyên liệu là mía trồng được. Mỗi ngày 5 người vừa đi chặt mía, vừa ép mía, vừa nấu cũng được 4 phi mật tương đương với 8 tạ. Mỗi phi bán giá 3 triệu đồng. Mặc dù giá mật cũng có nhiều biến động, nhưng nghề ép mía vẫn ổn định thu nhập. Bởi vì người dân tận dụng được tất cả các phế phẩm từ cây mía, nhờ đó chi phí thấp. Trung bình mỗi tấn mía đưa vào ép mật, người dân lãi từ 1,5 đến 2 lần so với bán mía nguyên liệu. Xưa phải làm thủ công, nay có máy hỗ trợ, ép một lần có thể lấy được toàn bộ nước mía. Từ làng Găng, ngày nay cả xã Nghĩa Hưng có trên 100 hộ làm nghề ép mía, nấu mật, mỗi năm sản xuất được 4 nghìn phi mật (khoảng 1.200 tấn), chủ yếu phục vụ cho những người sản xuất kẹo lạc, kẹo cu đơ…

Cùng với nghề truyền thống, những năm gầm đây nhiều hộ ở xã Nghĩa Hưng phát triển nghề nuôi dê. Gia đình ông Đinh Bình Ngọc ở xóm 6, thuộc hộ cận nghèo. Năm 2011 được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng, ông mua 3 con dê về nuôi, cải tạo 5.000m2 ao thả cá, nuôi vịt. Sau 6 năm, ông Ngọc đã có đàn dê trên 30 con, ông còn mạnh dạn trồng 150 gốc cam, nuôi gần 100 con ngan vịt, hàng trăm con gà. Nhờ chăm chỉ và làm ăn hiệu quả, gia đình trả nợ hết hạn vay vốn tại NHCSXH huyện Nghĩa Đàn theo đúng thời gian quy định. “Gia đình vừa trả được số tiền vay vốn, đang xin vay thêm 40 triệu đồng vốn để đầu tư nuôi thêm vài cặp bò, trồng thêm cam. Gia đình nhờ vốn vay ưu đãi nay mới có gia sản này chứ không chắc cũng đi làm thuê kiếm sống thôi…”, ông Ngọc cho biết.

Không chỉ có “khai phá đất nhà”, tính đến nay toàn xã Nghĩa Hưng có trên 150 lao động đang làm việc có thời hạn ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Trong những năm gần đây, XKLĐ là lựa chọn của nhiều lao động ở Nghĩa Đàn. Qua đó giúp các hộ dân không chỉ xóa nghèo bền vững mà còn có một số vốn để đầu tư làm ăn sau khi về nước. Chính đòn bẫy từ XKLĐ đã giúp kinh tế nông thôn Nghĩa Đàn có nhiều bước khởi sắc.

Sau 5 năm đi XKLĐ có thời hạn ở Hàn Quốc, trở về quê, anh Phạm Quang Dương ở xóm 6 xã nghĩa Hưng đã mở một cửa hàng bán nội thất tổng hợp. Chương trình XKLĐ không chỉ tạo nguồn vốn cho gia đình làm ăn phát triển kinh tế mà còn giúp anh học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng cũng như tác phong làm việc của nước bạn”.

Nhờ có NHCSXH đồng hành, năm 2016 Nghĩa Hưng được công nhận là xã nông thôn mới, về đích trước 2 năm. Thu nhập bình quân từ 11 triệu đồng/người năm 2011, tăng lên 22 triệu đồng năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo từ 18,4% giảm xuống còn 6,6%. Xã nghèo Nghĩa Hưng đang vươn lên phá thế thuần nông.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Các tin bài khác