Cơ hội giúp người nghèo vươn lên phát triển kinh tế
Tín dụng chính sách đối với hộ nghèo đang được thực hiện hiệu quả tại tỉnh Hòa Bình, trung bình mỗi năm tăng trưởng 12%; nguồn vốn chủ yếu được hộ vay đầu tư, phát triển đàn gia súc, gia cầm, trồng rừng, trồng cây ăn quả… Giai đoạn 2002 - 2017, toàn tỉnh Hòa Bình cho vay 217 ngàn lượt hộ, doanh số cho vay đạt 2.423 tỷ đồng. Đến nay, tổng dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo đạt 874 tỷ đồng với hơn 33 ngàn hộ còn dư nợ, mức cho vay bình quân đạt 26 triệu đồng/hộ.
Bám sát mục tiêu giảm nghèo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, NHCSXH xác định nhiệm vụ trọng tâm và luôn ưu tiên đưa nguồn vốn đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Để nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa người nghèo trong điều kiện phải tiết giảm chi phí quản lý, chi phí xã hội, NHCSXH đã thực hiện cho vay uỷ thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể. Đồng thời tổ chức mạng lưới Điểm giao dịch tại 210 xã, phường, thị trấn. Điểm giao dịch xã là nơi niêm yết công khai các chính sách tín dụng ưu đãi, giải quyết thủ tục vay vốn, trả nợ, trả lãi, gửi tiền tiết kiệm của nhân dân trên địa bàn. Trên 90% khối lượng giao dịch của NHCSXH được thực hiện tại Điểm giao dịch xã với chất lượng giao dịch và phục vụ như tại trụ sở ngân hàng. Cùng với đó là mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn đã phát huy tốt vai trò trợ giúp hộ vay làm các thủ tục vay vốn, tương trợ giúp đỡ nhau trong SXKD, thực hiện cơ chế dân chủ, công khai trong bình xét vay vốn, truyền tải các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi tới hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, đôn đốc hộ vay trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn.
Chương trình tín dụng đối với hộ nghèo khi triển khai thực hiện đều rà soát đối tượng vay vốn theo danh sách hộ nghèo của địa phương đảm bảo nguồn vốn đầu tư đúng đối tượng thụ hưởng. Quy trình cho vay được bình xét từ thôn, xóm thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn, giúp hoạt động tín dụng công khai, minh bạch. Thông qua hướng dẫn, trợ giúp của chính quyền cơ sở và cộng đồng người vay vốn, đối tượng được vay vốn tự kiểm tra, giám sát, quyết định phương thức sử dụng vốn và cách thức để thoát nghèo. Ngoài tự chủ trong vay vốn, các hộ nghèo còn tham gia giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với các hộ khác, cùng tương trợ, giúp đỡ nhau trong SXKD để vượt qua đói nghèo. Chương trình tín dụng phát huy hiệu quả đã nâng dần mức đầu tư cho vay, đến nay tăng lên tối đa 50 triệu đồng/hộ.
Ông Vũ Đình Đoài - Giám đốc NHCSXH tỉnh Hòa Bình cho biết: Thông qua chương trình cho vay hộ nghèo đã mở ra cơ hội giúp hộ nghèo được tiếp cận các nguốn vốn ưu đãi, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, học tập, tạo điều kiện để hộ nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Trong giai đoạn 2002 - 2017, toàn tỉnh có trên 90 ngàn lượt hộ thoát khỏi ngưỡng đói, nghèo theo từng giai đoạn điều tra, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 3%/năm. Có thể khẳng định, chương trình tín dụng đối với hộ nghèo là động lực để hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên để đồng vốn ưu đãi cho vay hộ nghèo phát huy hiệu quả, các địa phương cần chú trọng công tác định hướng việc làm, lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, vận động người dân chủ động chuyển đổi cơ cấu kinh tế để nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ giúp hộ nghèo nâng cao đời sống, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo tại địa phương. Có như vậy nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ mới trở thành “cú huých” giúp hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống một cách bền vững.
Bài và ảnh Đinh Thắng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Khánh Hòa cho vay vốn khôi phục sản xuất sau bão
- » Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn
- » Vĩnh Phúc với mục tiêu giảm nghèo bền vững
- » Niềm vui trên những vùng đất khó
- » “Ngân hàng lưu động”
- » Giúp người dân thoát nghèo bền vững
- » Gỡ khó cho người nghèo
- » Điểm tựa cho hội viên CCB tỉnh Bắc Giang
- » Tín dụng chính sách đẩy lùi “tín dụng đen” ở nông thôn
- » “Cánh tay nối dài” của NHCSXH