Nguồn vốn nhỏ vun góp giấc mơ lớn

21/02/2018
(VBSP News) Hòa Bình những ngày đầu Xuân năm mới. Đất trời nhuộm trong màu tím bạc của thời khắc giao mùa. Những cơn mưa phùn lắc rắc chưa đủ bật xanh những chồi non đang ngủ. Song trong lòng nhiều người dân bừng lên những niềm vui khi thu hái những thành quả cuối cùng của vụ mùa bội thu... xuôi chợ cho kịp vụ Tết. Màu vàng, đỏ của hoa trái thưa dần trong các vườn đồi cũng là lúc mùa Xuân chạm gần hơn với niềm hy vọng về một tương lai mới của người nghèo, đối tượng chính sách đã và đang được vun góp bởi dòng vốn tín dụng chính sách xã hội được NHCSXH tỉnh Hòa Bình triển khai thực hiện trong suốt 15 mùa Xuân qua.

Vay 30 triệu đồng từ NHCSXH, sau 4 năm ông Bùi Văn Chềnh ở xã Nam Phong đã thu hoạch được hơn 100 triệu đồng từ vườn cam

Vay 30 triệu đồng từ NHCSXH, sau 4 năm ông Bùi Văn Chềnh ở xã Nam Phong đã thu hoạch được hơn 100 triệu đồng từ vườn cam

Gieo niềm tin vào những ước mơ

“Nếu nói về nghèo ở xóm này trước đây chẳng có ai nghèo hơn chị ấy”, cán bộ tín dụng phụ trách xã chỉ cho tôi chị Phan Thị Hải - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn số 1 xóm Nam Hải, xã Nam Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình). Đã bước sang cái tuổi lục tuần, nhưng đôi mắt sáng và đôi chân thoăn thoắt đủ để thấy công việc trong gia đình vẫn dựa trên vai chị. Nhớ lại cái Tết năm 1992 khi con lớn vào đại học, chị nghẹn lời “28 Tết mà trong nhà hết không còn bát gạo, không còn đồng nào trong túi. Chưa kể một đống nợ nan chồng chất vay nặng lãi nuôi con ăn học”. Ngày ấy, chị đã có 1700m2 vườn nhà và 2ha đồi, nhưng chẳng có vốn, nên đất có mà vẫn nghèo. Thế rồi Ngân hàng Phục vụ người nghèo ra đời rồi tiếp nối là NHCSXH thành lập. Chị cũng chẳng nhớ mình đã vay bao nhiêu vòng vốn của NHCSXH từ lúc 2 triệu, 5 triệu, 10 triệu và nay là 47 triệu đồng bao gồm cả vốn vay từ chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn và nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Từ những đồng vốn nhỏ nhoi ban đầu, anh chị đầu tư vun từng gốc mía. “Cũng may thời điểm đó giá mía cao” nên càng trồng, càng có lãi. Nguồn vốn vay tăng dần cùng nguồn thu tích lũy giúp anh chị gieo màu xanh lên 2ha đất đồi. Năm 2009, gia định chị Hải chính thức bước qua ngưỡng cửa hộ nghèo. Xong phải đến năm 2011 gia đình chị chấm dứt cảnh chen chúc trong căn nhà chát vách đất dựng từ ngày 2 vợ chồng mới cưới. Rồi anh chị cùng các con chuyển đổi mô hình trồng mía sang trồng cam. 2ha cam năm nay bước vào vụ thu hoạch đầu tiên đã bội thu không chỉ giúp anh chị thở phào với nỗi lo trả nợ ngân hàng, bù đắp chi phí công sức cả nhà đã dồn cả vào 4 năm này mà có thêm khoản thu nhập kha khá cả trăm triệu đồng.

Hơn 15 năm có mặt trên mảnh đất Nam Phong này, cũng là chừng ấy thời gian dòng vốn tín dụng chính sách xã hội của NHCSXH cùng người dân chuyển đổi cơ bản diện tích cấy lúa sang trồng mía, đất vườn đồi sang trồng cam, quýt, bưởi đỏ, bưởi Diễn, nhãn mang lại giá trị kinh tế cao, bình quân thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/ha trồng mía và thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng/ha trồng cam. Chỉ tính riêng 6 năm qua, nguồn vốn tín dụng đã hỗ trợ trên 700 lượt hộ vay vốn với số tiền 54 tỷ đồng mở rộng góp phần đưa thu nhập bình quân xã đạt 29 triệu đồng/người. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 99%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95%; 78% hộ đạt gia đình văn hoá; trên 90% người dân dùng nước sạch hợp vệ sinh. Những con số này góp phần đưa xã Nam Phong cán đích nông thôn mới giữa năm 2017 trong khi xã có 3/10 xóm thuộc vùng 135.

“Từ việc vun trồng vài ba gốc cam ban đầu bằng nguồn vốn vay NHCSXH, nhiều người dù không biết chữ vẫn có thể đổi đời cùng cùng công cuộc chuyển giao kỹ thuật theo kiểu “cầm tay chỉ việc” từ chính quyền địa phương và cộng đồng” CCB Phan Xuân Phương, người dân tộc Mường ở thị trấn Cao Phong kể về hành trình phát triển cây cam trên mảnh đất này. Câu chuyện, những triệu phú rồi tỷ phú bước vào giấc mơ có thực trong đời chỉ bằng vài triệu đồng vốn vay nhỏ nhoi từ NHCSXH không chỉ có trong những vườn cam Cao Phong mà đang lan rộng khắp địa bàn tỉnh Hòa Bình cùng đôi bàn tay và sự cần mẫn dám nghĩ dám làm của người nghèo và đối tượng chính sách…

Lan tỏa động lực phát triển kinh tế

Nguồn vốn NHCSXH đã đi đến 100% xã trên địa bàn tỉnh đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa đời sống người dân còn khó khăn, kinh tế thiếu lực đẩy. Như với huyện Kim Bôi - huyện miền núi, phần cuối của vùng Tây Bắc (Việt Nam), ngoài ưu thế phát triển du lịch từ nguồn suối nước khoáng nóng, Kim Bôi là vùng đất khó sinh sống. Cũng bởi thế mà người Mường có câu: “Yêu nhau cho thịt cho xôi/Ghét nhau đưa đến Kim Bôi, Hạ Bì”.

Song cùng với những con đường mới mở nối nhịp dòng chảy kinh tế, những mầm mống kinh tế hàng hóa cũng đang được gây lên từ nguồn vốn tín dụng chính sách kết hợp với định hướng phát triển địa phương. Sự hữu hạn về diện tích, sự kém màu mỡ của đất khiến người dân nếu chỉ trông chờ vào cây lúa cuộc sống vô cùng khó khăn, đã được hóa giải từ năm 2010 với việc cấp ủy Đảng đã ra Nghị quyết về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thực hiện mô hình 2 màu, 1 lúa và sự hỗ trợ vốn từ NHCSXH.

Ví như gia đình anh Bùi Văn Tài ở xóm Báy, xã Sào Báy, huyện Kim Bôi. Vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đầu tư nuôi trâu, đến nay, anh đã tích lũy được 3 con trâu sau khi bán đi hai con trả nợ ngân hàng và phục vụ tiêu dùng. Còn với chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết ở xóm Báy, xã Sào Báy, cả chục năm trước chị đã là khách hàng của NHCSXH. Nguồn vốn đa dạng của NHCSXH đã giúp chị có cơ hội xoay chuyển từ vay chương trình giải quyết việc làm, nay là 50 triệu đồng vay theo chương trình tín dụng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để khai hoang 4ha vườn đồi. Mùa nào thức ấy, màu xanh của dưa, màu vàng của đu đủ, mít thái bí đỏ, keo tràm đã giúp chị mỗi năm thu nhập ròng khoảng 150 triệu lo cho cuộc sống gia đình cũng như cô con gái đang theo học ở Học viện Y học cổ truyền Hà Nội năm cuối.

Những mô hình sản xuất hàng hóa tập trung cũng đang được xây dựng cùng với những ấp ủ làm kinh tế lớn của người dân địa phương. Ông Nguyễn Thái Học - Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ và nông nghiệp Hạ Bì, vốn là một ông chủ làm xây dựng. Nhưng ước mơ trồng rau sạch, cung cấp thực phẩm sạch cho người dân đã khiến ông dành một thời gian lớn cho công việc này với việc thành lập HTX. Hơn 3 năm phát triển từ tháng 8/2014 đến cuối năm 2017, HTX đã đạt sản lượng 800 tấn ớt và dưa chuột trong năm 2017. Không chỉ tạo việc làm cho 34 thành viên, HTX thu hút 110 lao động địa phương, mỗi năm đạt bình quân lợi nhuận 100 triệu đồng. Tương lai của HTX đang mở ra với hướng phát triển lấy HTX là vùng lõi để phát triển hơn nữa cả về diện tích cũng như quy mô, hướng tới liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.

“Qua 15 năm hoạt động, tín dụng chính sách thông qua NHCSXH đã khẳng định vai trò quan trọng của mình trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên cải thiện cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng trong xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền”, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh nhấn mạnh. Từ 2 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay chi nhánh đang tổ chức cho vay 15 chương trình tín dụng với tổng dư nợ đạt 2.660 tỷ đồng, quy mô tín dụng tăng 13 lần so với năm 2003, với 106.126 hộ đang có quan hệ vay vốn, dư nợ tín dụng chính sách chiếm 15,2% tổng dư nợ các ngân hàng trên địa bàn toàn tỉnh. Nhìn lại hành trình 15 năm, doanh số cho vay 5.933 tỷ đồng với 426.103 lượt hộ góp phần giúp cho trên 90 ngàn lượt hộ thoát khỏi ngưỡng cửa đói nghèo theo từng giai đoạn điều tra (tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm); tạo việc làm mới cho trên 73 ngàn lao động; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng 19 ngàn căn nhà; xây dựng được 90 ngàn công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; gần 1.000 lao động được vay vốn đi XKLĐ; 35 ngàn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 8.000 hộ đồng bào DTTS được vay vốn để SXKD… Dù còn nhiều hộ gia đình tuy chưa thoát khỏi khó khăn về kinh tế song nhờ nguồn vốn vay ưu đãi đã có cơ hội làm chủ cuộc sống của mình, thay đổi tập quán làm ăn, thay đổi ý thức trách nhiệm với cộng đồng.

Tận dụng lợi thế đã tạo dựng trong những năm qua với 210 Điểm giao dịch xã, với chất lượng giao dịch và phục vụ như tại trụ sở ngân hàng trong giao đoạn từ nay đến năm 2020, chi nhánh sẽ tiếp tục gia tăng hiệu quả hoạt động của 2.872 Tổ tiết kiệm và vay vốn - mắt xích quan trọng nhất trong kênh dẫn vốn của NHCSXH. NHCSXH tỉnh Hòa Bình cũng đã đặt mục tiêu mới cho giai đoạn 2017 - 2020 với việc trở thành một ngân hàng có cơ sở vật chất ổn định, tiên tiến, có công nghệ hiện đại theo kịp bước phát triển chung của hệ thống NHCSXH, phù hợp với quá trình phát triển của tỉnh Hoà Bình. Bên cạnh những mục tiêu cơ bản như hệ thống chi nhánh đặt mục tiêu cho riêng mình khá cao với nguồn vốn huy động tại địa phương tăng trưởng trên 20%/năm; nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tăng trên 10 tỷ đồng/năm. Đến năm 2020 NHCSXH tỉnh có dư nợ trên 3.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn duy trì dưới mức 0,5% tổng dư nợ.

Để vươn tới mục tiêu này, Giám đốc NHCSXH tỉnh Hòa Bình, Vũ Đình Đoài, cho biết sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, tìm biện pháp khơi tăng nguồn vốn tại địa phương tham gia vào nguồn vốn hoạt động của NHCSXH nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở, ngành, chính quyền địa phương với NHCSXH trong việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để nguồn vốn không chỉ đến với 100% đối tượng chính sách có nhu cầu mà trở thành một đòn bẩy hữu hiệu trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh như hành trình hơn 15 năm qua.

Bài và ảnh Ngọc Khánh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác