Bản Nghèo thoát nghèo nhờ đồng vốn chính sách

16/06/2017
(VBSP News) Từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ ở bản Nghèo, xã Hồi Xuân, huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa) đã thoát nghèo, trở thành ông chủ.

Nhờ có vốn của NHCSXH, gia đình ông Lương Văn Biêng đã chăn nuôi nhiều bò và mua được ôtô tải để làm ăn

Nhờ có vốn của NHCSXH, gia đình ông Lương Văn Biêng đã chăn nuôi nhiều bò và mua được ôtô tải để làm ăn

Thoát nghèo ở bản Nghèo

Nói về con đường thoát nghèo của mình, ông Lương Văn Biêng, 57 tuổi ở bản Nghèo tâm sự: “Cách đây 5 năm, gia đình tôi nghèo lắm, lại phải nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn, học. Nhưng nhờ có vốn vay từ NHCSXH, cuộc sống gia đình tôi đã thay đổi hoàn toàn”. Theo đó, giữa năm 2011, gia đình ông Biêng được NHCSXH cho vay 25 triệu đồng. Có vốn, gia đình ông mua 2 con bò sinh sản 24 triệu đồng, số tiền còn lại ông tìm kiếm các mối hàng rau củ quả, hàng nông sản, mua đi bán lại kiếm lời.

Bên cạnh đó, gia đình ông lại được NHCSXH hướng dẫn cho vay vốn chương trình HSSV. “Cuối năm 2014, ngoài trả được hết các khoản nợ, gia đình tôi còn có một đàn bò 7 con. Sau đó, tôi lại mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng để phát triển kinh tế. Hiện nay, gia đình tôi đã có đàn bò 8 con và 2 xe tải nhỏ, đảm bảo việc làm cho 6 lao động có thu nhập ổn định”, ông Biêng phấn khởi cho biết.

Đứng bên đàn bò của mình, ông Phạm Văn Nhuận ở bản Nghèo kể: “Trước kia, cuộc sống gia đình tôi chỉ trông chờ vào cây ngô, cây sắn. Năm 2014, nhờ được vay vốn từ chương trình hộ cận nghèo, đến nay gia đình tôi đã có của ăn, của để. Hiện gia đình tôi có 16 con bò và 1 ao cá. Nếu không có nguồn vốn của NHCSXH, không biết khi nào gia đình tôi mới thoát khỏi nghèo”.

Kiểm soát vốn chặt chẽ

Tính đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Quan Hóa đạt 196,460 tỷ đồng, tăng 10,726 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, cho vay hộ nghèo là 82,736 tỷ đồng; hộ cận nghèo 27,837 tỷ đồng.

Để kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn vay trong dân hiệu quả, NHCSXH đã phối hợp các đoàn thể nhận ủy thác thường xuyên kiểm tra, giám sát các phương thức sản xuất, kinh doanh của các hộ được vay vốn; tư vấn người dân về tình hình dịch bệnh; tuyên truyền chủ trương chính sách, mô hình sản xuất… giúp người dân sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất.

Ông Cao Văn Quan - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Nghèo cho biết: “Nhờ nguồn vốn từ các chương trình cho vay ưu đãi, nhiều hộ dân các bản làng xa xôi có tiền đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Nếu không có vốn vay ưu đãi, không biết tới bao giờ các hộ đồng bào DTTS ở Hồi Xuân mới có thể phát triển được”. Theo ông Quan, những năm trước đây bà con trong bản vay vốn NHCSXH rất ít, vì vay được vốn rồi bà con cũng không biết nuôi con gì, trồng cây gì để mang lại thu nhập.

Ông Nguyễn Đức Hạnh - Giám đốc NHCSXH huyện Quan Hóa cho biết: Quan Hóa vốn là huyện vùng cao nên các hộ dân ở đây có diện tích vườn đồi khá lớn. Nhưng vẫn còn nhiều hộ chưa phát huy được hiệu quả. Vì vậy, rất mong sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành trong việc hướng dẫn bà con sản xuất để nguồn vốn chính sách phát huy hiệu quả cao nhất.

Bài và ảnh Hồng Đức

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác