Xuân Giao phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
Chủ tịch UBND xã Xuân Giao, Ngô Đức Trung cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có 28 Tổ tiết kiệm và vay vốn do 4 tổ chức hội, đoàn thể quản lý, gần 1.000 hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH với dư nợ đến nay đạt trên 36 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhiều năm liền, xã không có nợ quá hạn. Để đạt được kết quả tích cực này bên cạnh việc nghiên cứu, xây dựng chương trình phát triển kinh tế - xã hội sát với đặc điểm, điều kiện của địa phương, Đảng ủy xã còn chú trọng lãnh đạo phát huy tốt vai trò của cán bộ, đảng viên và các tổ chức, đoàn thể tham gia nhận ủy thác vốn vay và định hướng, giúp đỡ người dân lựa chọn phương án sử dụng đồng vốn ưu đãi có hiệu quả cao nhất.
Để nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng, Chủ tịch Hội CCB xã Xuân Giao, Phạm Hữu Báocho biết, hội đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tăng cường công tác tuyên truyền vận động hội viên mạnh dạn vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt của hội, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện việc quản lý, kiểm tra sử dụng các nguồn vốn vay và tích cực thu lãi, thu nợ đúng kỳ hạn.
Hiện Hội CCB xã đang quản lý 5 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhiều CCB sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê, gia tài chỉ có chiếc ba lô trên vai. “Với nghị lực và quyết tâm không cam chịu đói nghèo, từ đồng vốn vay của NHCSXH, nhiều hội viên CCB từ hai bàn tay trắng đã vươn lên trở thành những chủ trang trại phát triển kinh tế VAC, có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; tạo điều kiện giúp các hội viên khác cùng thoát nghèo”, Chủ tịch Hội CCB xã chia sẻ.
Tiêu biểu là hộ CCB Nguyễn Văn Tuynh ở thôn Hùng Xuân 2. Năm 2011, được Hội CCB đứng ra tín chấp, gia đình ông được vay 30 triệu đồng vốn chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Nhận thấy tiềm năng đất đai, cơ hội làm giàu chính nơi mình đang ở, ông đầu tư toàn bộ số tiền vay để mua trâu sinh sản và trồng rừng.
Sau nhiều năm cật lực phấn đấu, “lấy ngắn nuôi dài” tiến lên từng bước, Nguyễn Văn Tuynh đã trở thành một “đại gia” rừng xanh với 26ha rừng trồng các loại cây mỡ và quế; 1ha mặt nước nuôi cá hỗn hợp; đàn trâu trên 50 con; thường xuyên có đàn lợn cắp nách 50-70 con cung cấp cho thị trường ngoài huyện. Ngoài ra, trang trại ông Tuynh tạo việc làm ổn đinh cho 5 lao động, lúc thời vụ lên tới 10 người.
Mặc dù là một xã nằm ngay cửa ngõ khu công nghiệp Toằng Loỏng của tỉnh Lào Cai, nhưng hiện nay sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm 70% tổng thu nhập của xã, còn lại 30% làm dịch vụ. Trong những năm tới, thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, Xuân Giao muốn “phá thế” nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển dịch vụ và sản xuất hàng hóa. “Để thực hiện được mục tiêu đó, đồng bào các dân tộc chúng tôi mong có thêm nguồn vốn từ chương trình tín dụng giải quyết việc làm,hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn”, Chủ tịch xã Xuân Giao Ngô Đức Trung đề nghị.
Bài và ảnh Khánh Trang
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » “Tích tiểu thành đại”
- » Làm tròn nhiệm vụ uỷ thác vay vốn chính sách
- » Hiệu quả nguồn vốn chính sách ở Trung du miền núi Phú Thọ
- » Các hội, đoàn thể ở TX Gò Công làm tốt công tác nhận ủy thác vốn vay
- » Tổng Giám đốc NHCSXH là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia
- » Nghiên cứu kỹ để kịp thời thực hiện ngay khi được giao vốn
- » Gửi tiết kiệm hàng tháng không làm khó người thu nhập thấp vay vốn mua NOXH
- » Triển vọng nuôi bò nhóm hộ ở Kon Tum
- » Người nghèo tại Thừa Thiên - Huế an tâm trước mùa mưa lũ
- » Chuyển dịch cơ cấu vật nuôi thành công từ đồng vốn ngân hàng