Làm tròn nhiệm vụ uỷ thác vay vốn chính sách
Từ nguồn vốn vay này, nhiều hội viên nông dân ở các làng quê dọc triền đê sông Hồng thuộc các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động và giữa đồng chiêm trũng Ân Thi, Phù Cừ… thuộc tỉnh Hưng Yên có điều kiện chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khôi phục, mở mang ngành nghề trong khu vực nông thôn, lựa chọn, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại cho thu nhập cao…
Điển hình là hộ nông dân Trịnh Văn Quỳnh ở thôn Mễ Châu, xã Hồng Nam, TP Hưng Yên đã thoát nghèo, lại thành “nông dân sản xuất giỏi” nổi tiếng vùng đồng bằng Bắc Bộ. Với sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn vay của NHCSXH và hướng dẫn kỹ thuật canh tác của Hội Nông dân, ông Quỳnh đã có được một cơ ngơi bao gồm vườn nhãn lồng 200 cây, 300 thùng nuôi ong lấy mật, 3 mẫu ao thả cá trắm cỏ, mè hoa… “Vụ thu hoạch năm nay chưa kết thúc nhưng tạm tính, gia đình tôi đã thu được gần 200 triệu đồng, chắc chắn lãi hơn những năm trước rất nhiều”, ông Quỳnh phấn chấn nói.
Tương tự, gia đình chị Vũ Lan Hương ở xã Kim Ngưu, huyện Khoái Châu cũng nhờ vốn vay chính sách trồng chuối tiêu hồng, thu nhập khá, để đến giữa năm 2014, hoàn trả đủ tiền vay ngân hàng.
Tuy đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo, nhưng chị Hương vẫn có nhu cầu mong muốn được vay tiếp nguồn vốn chính sách. Đang phân vân tìm lời giải thì vừa qua được Hội Nông dân và Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn giúp đỡ, bình xét, chị được vay 50 triệu đồng hộ mới thoát nghèo. Nhận tiền vay từ NHCSXH lần thứ 2, chị Hương quyết định xây mới 2 gian chuồng, mua thêm con giống tốt mở rộng nghề chăn nuôi, phấn đấu thoát nghèo bền vững.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên, Trần Tuyết Hương cho biết, những năm qua tất cả các cấp hội ở 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều hoàn thành nhiệm vụ uỷ thác với NHCSXH, thực sự làm cầu nối vững chắc giúp cho nhiều hội viên tiếp cận thuận lợi nguồn vốn chính sách và sử dụng vốn vay vào phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Việc làm thường xuyên trong thời gian qua của Hội Nông dân từ tỉnh đến xã đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và các cấp chính quyền, đoàn thể tại địa phương tiến hành khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; củng cố kiện toàn chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn do hội quản lý, đã tuyển chọn được đội ngũ cán bộ Ban quản lý, Tổ trưởng có đủ năng lực, nhiệt tình tham gia quản lý nguồn vốn uỷ thác, đồng thời thực hiện các khâu bình xét công bằng, dân chủ cho hội viên của mình vay vốn chính sách, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả và kiểm tra, đôn đốc hội viên đến kỳ trả nợ, lãi đúng hạn.
Nhờ vậy, nguồn vốn vay uỷ thác của Hội Nông dân với NHCSXH không chỉ tăng đều đặn, năm sau cao hơn năm trước mà còn đảm bảo chất lượng tín dụng, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,07%, tạo uy tín đối với NHCSXH và cấp uỷ, chính quyền địa phương.
Hội Nông tỉnh Hưng Yên đang tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ hội, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn có năng lực, nhiệt tình để tham gia trực tiếp quản lý nguồn vốn chính sách; triển khai lồng ghép hoạt động của NHCSXH với các chương trình dự án, giữa việc vay vốn, sử dụng vốn chính sách với việc đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Bài và ảnh Minh Khánh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hiệu quả nguồn vốn chính sách ở Trung du miền núi Phú Thọ
- » Các hội, đoàn thể ở TX Gò Công làm tốt công tác nhận ủy thác vốn vay
- » Tổng Giám đốc NHCSXH là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia
- » Nghiên cứu kỹ để kịp thời thực hiện ngay khi được giao vốn
- » Gửi tiết kiệm hàng tháng không làm khó người thu nhập thấp vay vốn mua NOXH
- » Triển vọng nuôi bò nhóm hộ ở Kon Tum
- » Người nghèo tại Thừa Thiên - Huế an tâm trước mùa mưa lũ
- » Chuyển dịch cơ cấu vật nuôi thành công từ đồng vốn ngân hàng
- » Khởi sắc ở một vùng quê
- » Tín dụng chính sách nơi vùng cao Yên Bái