Tín dụng chính sách trên quê hương cách mạng

26/08/2015
(VBSP News) Cách đây một năm, trong dịp lên thăm và làm việc với tỉnh Tuyên Quang vào sáng 29/8/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào. Làm việc với các cán bộ chủ chốt huyện Sơn Dương và đại diện các xã, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Sơn Dương có vị trí đặc biệt gắn với lịch sử dân tộc Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, từng được mệnh danh là Thủ đô của khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến. Nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Phát huy truyền thống Cách Mạng, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc ở Sơn Dương đã và đang xây dựng “Thủ đô gió ngàn” xứng đáng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.
Một góc thôn Tân Lập, xã Tân Trào

Một góc thôn Tân Lập, xã Tân Trào

Những con số - niềm vui

Sáng ngày 16/8/2015, tại Quảng trường Tân Trào (xã Tân Trào) đã diễn ra lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm 70 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo TW và địa phương. Bí thư Huyện ủy Sơn Dương Hoàng Việt Phương vui mừng báo tin: Đầu tháng 8, huyện đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ lần thứ XX. Trong 5 năm qua, Sơn Dương đã thực hiện hiệu quả 4 lĩnh vực đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nổi bật nhất về lĩnh vực giao thông. Huyện đã làm mới, nâng cấp hơn 230km đường huyện, đường liên xã; bê tông hóa hơn 760km đường giao thông nông thôn, với tổng nguồn lực huy động hơn 400 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 200 tỷ đồng. Đến nay, tất cả các thôn, bản của huyện đều có đường ô tô tới trung tâm. Giao thông thuận lợi là chìa khóa để huyện tiếp tục phát triển.

Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân là giải pháp xuyên suốt được Sơn Dương tập trung thực hiện. Vì vậy, huyện đã triển khai thực hiện quy hoạch các vùng chuyên canh cây trồng, theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến, như: vùng mía 4.417ha, vùng chè 1.550ha, gần 32.000ha nguyên liệu giấy, vùng sản xuất rau tại các xã Sơn Nam, Đại Phú, Vĩnh Lợi… 5 năm qua, toàn huyện đã trồng hơn 10.000ha rừng tập trung. Đời sống của người dân đã có bước phát triển đáng kể, Sơn Dương đã đảm bảo được an ninh lương thực tại chỗ, với tổng sản lượng hàng năm 85.000 tấn, đạt mức bình quân 450 kg/người/năm. Điều đáng mừng nhất là tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 31,88% năm 2010, xuống còn 9,81% năm 2014 và dự kiến năm 2015 toàn huyện chỉ còn 5,74%.

Dấu xưa oai hùng còn đây

Trước đây, người dân xã Tân Trào một lòng, một dạ bảo vệ, giúp đỡ Cách mạng để Đảng, Bác Hồ lãnh đạo Cách mạng thành công. Ngày nay, phát huy truyền thống hào hùng, người dân Tân Trào đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực, chung sức xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Theo Bí thư Chi bộ thôn Tân Lập Trương Văn Trình, trước Cách mạng tháng 8 thôn chỉ vẻn vẹn có 23 hộ dân sống tập trung quanh khu vực cây đa Tân Trào. Đến nay, đã có 182 hộ dân, 762 người gồm dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao. Lợi thế của thôn là trung tâm diễn ra các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, nay được Đảng, Nhà nước thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt, thôn đã không ngừng vận động nhân dân vươn lên phát triển kinh tế và giữ gìn những giá trị lịch sử, văn hóa của quê hương. Ngoài các chính sách an sinh xã hội, người dân còn được xã tạo mọi điều kiện thuận lợi tiếp cận với nguồn vốn NHCSXH đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển các sản phẩm du lịch phục vụ du khách đến tham quan. Nhờ đó, đến nay thôn chỉ còn 8/182 hộ nghèo.

Đến hết năm 2014, sau 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, Tân Trào đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Từ “Thủ đô gió ngàn”, ngày nay Tân Trào là xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang. Về thăm Tân Trào trong những ngày tháng 8 lịch sử, ấn tượng đầu tiên đối với du khách là những con đường bê tông phẳng phiu chạy xuyên suốt thôn, bản; hệ thống điện, đường, trường trạm được xây dựng khang trang, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ…

Vĩnh Tân là thôn điển hình trong xây dựng nông thôn mới ở Tân Trào, mà điểm nổi bật là giảm tỷ lệ hộ nghèo. Thôn có 109 hộ, đến cuối năm 2013 chỉ còn 10 hộ nghèo, đến nay không còn hộ nghèo. Đặc biệt, thôn đã quy tụ được các hộ sản xuất chè riêng lẻ thành lập HTX sản xuất và chế biến chè Vĩnh Tân. HTX tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm: xã viên chăm sóc, thu hái nguyên liệu; HTX thu mua, chế biến và tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, thay đổi được tư duy sản xuất của người dân, từ tự cung, tự cấp sang hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập của người dân trong thôn lên 25 - 30 triệu đồng/người/năm.

Xã viên HTX thôn Vĩnh Tân thu hoạch chè

Xã viên HTX thôn Vĩnh Tân thu hoạch chè

Có NHCSXH đồng hành

Sau 12 năm hoạt động, NHCSXH huyện Sơn Dương hiện có tổng dư nợ đạt gần 315 tỷ đồng với 18.673 hộ vay; trong đó cho vay hộ nghèo chiếm 124 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn ưu đãi bà con các dân tộc đã đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, làm dịch vụ, tạo việc làm mới.

Ông Nông Quang Huy ở thôn Lũng Búng, xã Tân Trào tâm sự: “Trước đây gia đình tôi rất nghèo, không có vốn lại không có kiến thức nên cảnh nhà luôn thiếu trước, hụt sau. Năm 2009, thông qua Hội Phụ nữ, gia đình được vay 20 triệu đồng từ NHCSXH huyện Sơn Dương của chương trình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, cộng với số vốn gia đình tích cóp được, tôi đầu tư chuồng trại nuôi lợn thịt, lợn nái, nuôi gà, thả cá trong ao rộng 0,8ha cho thu nhập trên 40 triệu đồng/năm. Nhờ đó, gia đình bớt khó khăn, cuộc sống dần đi vào ổn định và phát triển.

Cùng với vay vốn phát triển kinh tế, ở Sơn Dương có gần 3.000 hộ được vay vốn cho con em đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Nhiều chương trình hướng về cộng đồng được triển khai tích cực, như hoàn thành xây dựng được trên 4.000 công trình NS&VSMT phục vụ cho sinh hoạt của nhân dân. Theo ông Đỗ Văn Hùng - Phó Giám đốc NHCSXH huyện Sơn Dương, đến nay dư nợ cho vay chương trình NS&VSMT đạt trên 26 tỷ đồng với 3.052 hộ còn dư nợ.

Chủ tịch UBND xã Tân Trào Nguyễn Văn Hòa, cho biết: năm 2012 Tân Trào được tỉnh Tuyên Quang chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, kết quả đạt được đến nay rất khả quan: thu nhập bình quân đầu người toàn xã tăng từ 8,5 triệu đồng (năm 2011) lên 16,8 triệu đồng (năm 2014), theo đó tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 34,6% xuống còn 3,84%. Cùng với các cấp, các ngành từ TW đến tỉnh, huyện, trong quá trình xây dựng nông thôn mới NHCSXH luôn đồng hành cùng người dân Tuyên Quang.

Bài và ảnh Hồ Khánh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác