Hiệu quả vốn chính sách ở vùng dân tộc - miền núi Yên Châu
Gia đình ông Lò Văn Sỹ thuộc diện hộ nghèo lâu năm ở bản Chờ Mơng, xã Yên Sơn. Nhà ở 6 miệng ăn nhưng chỉ có 3 sào ruộng, nghề phụ cũng chẳng có, do đó cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Năm 2011, gia đình ông Sỹ được vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Yên Châu. Nhận số tiền vay ông Sỹ tiến hành xây dựng chuồng trại và mua bò, dê về nuôi để có thêm thu nhập. Ông Sỹ cho biết: “Được vay vốn chính sách với lãi suất thấp gia đình tôi đã dồn sức vào chăn nuôi. Đến nay, sau khi xuất bán 2 con bò, 5 con dê, trả hết nợ, nộp đủ lãi cho ngân hàng, trong nhà tôi vẫn còn 3 con bò sinh sản và đàn dê thịt 15 con nữa. Đây là “của dự trữ” để gia đình tôi bước vào năm 2015 thực hiện kế hoạch phát triển chăn nuôi hàng hóa theo mô hình trang trại và vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu”.
Đối với nhà chị Mè Thị Vui cùng 131 hộ dân đồng bào dân tộc Thái, bản Ngùa xã Chiêng Phằn thì lại khác, nhờ được tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn ưu đãi mà nay không còn phải đối mặt với cảnh thiếu nước sạch mỗi khi mùa khô hạn về. Trước đây, mọi sinh hoạt của gia đình chị và bà con bản làng từ đun nấu, tắm rửa đến phải sử dụng nước suối lẫn lá cây rừng mục bẩn hay nước giếng khoan vàng đục, còn chứa nhiều hàm lượng sắt, phốt pho. Nhưng từ khi xã được đầu tư xây dựng công trình nước sạch bao gồm 4 bồn bể lớn chứa, lọc nước 67m3/ngày và gia đình chị Vui đã sử dụng vốn vay của NHCSXH lắp đường ống dẫn nước sạch về tận nhà sử dụng cũng như xây dựng được công trình phụ khép kín như bể tắm, nhà vệ sinh tự hoại, đảm bảo sức khỏe, yên tâm sản xuất.
Theo lãnh đạo xã Chiêng Phằn: Từ các nguồn vốn ưu đãi vay của NHCSXH đã góp phần giúp địa phương đẩy nhanh tiến trình thực hiện tiêu chí hộ nghèo và tiêu chí vệ sinh môi trường trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Mỗi năm, xã Chiềng Phằn có hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo và những hộ dân ở các bản làng được tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn chính sách. Hiện tổng dư nợ toàn xã với NHCSXH 16,8 tỷ đồng. Số vốn vay được sử dụng vào những công việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 27% năm 2010, xuống còn 14,2% tính đến tháng 9/2014.
Để đồng bào dân tộc vùng miền núi có điều kiện vay vốn ưu đãi thuận lợi, nhanh chóng, NHCSXH đã chủ động khởi tăng các nguồn lực tài chính, giải ngân kịp thời vốn ưu đãi cấp trên giao và vốn quay vòng. Đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua 252 Tổ tiết kiệm và vay vốn và 15 Điểm giao dịch tại xã. Hàng tháng, cán bộ tín dụng chính sách đến từng cơ sở, thị trấn, trực tiếp cho vay, thu lãi, thu nợ, phổ biến các chủ trương, chính sách mới liên quan đến nhiệm vụ, hoạt động của NHCSXH. Từ đầu năm đến nay, NHCSXH huyện Yên Châu đã thực hiện giải ngân hơn 20 tỷ đồng các chương trình tín dụng ưu đãi, nâng tổng dư nợ lên gần 200 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn này mà các hộ nghèo cận nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời giúp các xã trong huyện đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bài và ảnh Lê Diệu Linh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » 4.000 hộ nghèo ở Phú Yên mong nhà tránh lũ
- » Bình Định đổi thay diện mạo sau Nghị quyết 30a
- » Chuyện “cao và thấp” ở huyện Cẩm Khê
- » Cao nguyên đá Đồng Văn sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách
- » Gỡ khó cho người trồng dược liệu
- » Giúp hội viên vươn lên làm giàu
- » Hiện đại hóa tin học như “chiếc chìa khóa vạn năng”
- » Hỗ trợ vốn vay ưu đãi, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững
- » Quản lý tốt nguồn vốn ủy thác
- » Đồng bào Mông sử dụng hiệu quả đồng vốn vay