Hỗ trợ vốn vay ưu đãi, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững
Là huyện ngoại thành, tỷ lệ hộ nghèo cao, thời gian qua, NHCSXH huyện Vĩnh Thạnh đã triển khai tốt các chính sách tín dụng hướng tới giảm nghèo bền vững và phục vụ an sinh xã hội. Ngân hàng luôn quan tâm ưu tiên, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay, đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường cán bộ xuống địa bàn để xác minh, hướng dẫn các đối tượng lập thủ tục vay vốn ngân hàng để đầu tư cho sản xuất, giảm nghèo. Toàn huyện hiện có 308 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại 11 xã, thị trấn. Đến nay, dư nợ của NHCSXH huyện Vĩnh Thạnh đạt trên 180 tỷ đồng với hơn 18.200 hộ vay. Bên cạnh đó, Phòng giao dịch còn thực hiện chủ trương triển khai mô hình giảm nghèo bền vững do UBND thành phố, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và NHCSXH TP. Cần Thơ ký kết kế hoạch liên tịch. Theo đó, NHCSXH huyện Vĩnh Thạnh giải ngân kịp thời nhiều mô hình giảm nghèo bền vững tại các xã, thị trấn.
Qua thời gian thực hiện, người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Điển hình như, gia đình ông Nguyễn Văn Trường ngụ ấp Tân Lợi, xã Thạnh Lộc, nhà ông Trường đông con lại không có đất sản xuất; quanh năm, vợ chồng và con cái phải đi làm thuê. Năm 2013, gia đình ông đăng ký tham gia mô hình giảm nghèo bền vững của xã và được vay 20 triệu đồng để nuôi bò. Với số vốn vay này, ông Trường mua cặp bò, phần còn lại đầu tư làm chuồng trại. Sau một thời gian nuôi, ông Trường bán cặp bò, lợi nhuận khoảng 9 triệu đồng. Sau đó, gia đình ông trả nợ NHCSXH và tiếp tục vay vốn để chăn nuôi, nay kinh tế gia đình ông Trường dần ổn định và thoát nghèo. Ông Trường vui vẻ nói: “Trước đây, nhà có mảnh đất nhỏ, tôi cũng muốn chăn nuôi lắm nhưng không có vốn. Nay nhờ được Nhà nước giúp đỡ vay vốn để nuôi bò mà gia đình tôi mới thoát nghèo. Để việc chăn nuôi hiệu quả, hàng ngày, vợ tôi đi cắt cỏ cho bò ăn, còn tôi đi bắt ốc, bắt cua đem bán, kiếm được vài chục nghìn đồng, trang trải chi tiêu sinh hoạt gia đình và tích góp để dành đóng lãi hàng tháng. Khi bán bò xong, tôi hoàn vốn cho NHCSXH ngay. Hiện tôi tiếp tục nuôi 2 con bò nữa, cũng gần đến ngày xuất chuồng rồi. Không chỉ hỗ trợ vốn, cán bộ nông nghiệp xã còn hướng dẫn tôi cách chăm sóc để bò khỏe mạnh, mau lớn”.
Ông Huỳnh Văn Đức ngụ ấp Tân An, xã Thạnh Lộc cũng thoát nghèo nhờ nuôi bò. Vợ chồng ông Đức ngoài 60 tuổi nhưng không có con cái, nhà cửa. Hàng ngày, vợ chồng ông thu gom rác tại chợ xã Thạnh Lộc để có thu nhập, đắp đổi qua ngày. Chia sẻ khó khăn với ông Đức, địa phương cất nhà Đại đoàn kết và vận động ông tham gia mô hình giảm nghèo bền vững. Ông Đức được vay vốn để nuôi cặp bò; mỗi ngày, ông Đức vừa tranh thủ cắt cỏ vừa tận dụng nguồn rau củ dư thừa tại chợ cho bò ăn. Sau 8 tháng chăn nuôi, ông Đức bán cặp bò được 31 triệu đồng. Sau khi trả nợ NHCSXH xong, trừ chi phí ông Đức lãi khoảng 9 triệu đồng. Hiện ông Đức tiếp tục nuôi cặp bò khác để kinh tế gia đình ngày càng khấm khá hơn. Ngoài trường hợp ông Trường, ông Đức, còn rất nhiều hộ được hỗ trợ vốn vay, hướng dẫn cách làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
Bà Đoàn Thị Bạch Tuyết - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Hiện nay, xã có 16 hội viên nông dân tham gia 2 mô hình chăn nuôi bò để giảm nghèo bền vững. Năm 2013, mỗi hộ vay vốn 20 triệu đồng; đến năm 2014, tăng vốn vay lên 30 triệu đồng. Qua kiểm tra, các hộ sử dụng đúng mục đích, trả vốn gốc và lãi đúng hạn. Điều đáng phấn khởi là các hộ có điều kiện để phát triển mô hình chăn nuôi, tạo thu nhập ổn định. Các mô hình này do Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện quản lý, phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của hộ dân, hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất vật nuôi cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh”. Theo Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Thạnh, 2 năm qua (2013 - 2014), huyện triển khai thực hiện mô hình giảm nghèo bền vững với 124 thành viên, với số vốn vay hơn 2,2 tỷ đồng tại 7 xã, thị trấn. Các hộ dân chủ yếu chăn nuôi heo, bò, cá trong vèo… Kết quả, có 44 hộ thoát nghèo, trong đó có 15 hộ thoát nghèo hẳn, 29 hộ chuyển sang cận nghèo.
Ông Bùi Thanh Hải - Giám đốc NHCSXH huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Ngân hàng thực hiện giải ngân cho các hộ là thành viên tham gia mô hình giảm nghèo bền vững, điều kiện vay vốn và lãi suất cũng giống như các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. Mô hình triển khai với phương án sản xuất rõ ràng, số vốn cụ thể nên số vốn vay có thể cao hơn các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, tổ chức hội, đoàn thể xã, thị trấn rà soát các hộ trong các mô hình sản xuất, kinh doanh sử dụng vốn vay; kịp thời tham mưu để UBND các xã, thị trấn có các biện pháp hỗ trợ hộ vay làm ăn đạt hiệu quả kinh tế cao”.
Thời gian tới, NHCSXH huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục đẩy mạnh giải ngân các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu, kịp thời đưa vốn vay đến các hộ có nhu cầu, không để nguồn vốn lãng phí; thực hiện phương án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ quá hạn, lãi tồn đọng, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tín dụng.
Theo Báo Cần Thơ
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Quản lý tốt nguồn vốn ủy thác
- » Đồng bào Mông sử dụng hiệu quả đồng vốn vay
- » Nhiều cách làm phát huy hiệu quả đồng vốn
- » Phum sóc “thay áo mới”
- » Cần vốn ưu đãi để thoát nghèo bền vững
- » Khi những chính sách giảm nghèo phát huy hiệu quả
- » Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam
- » Đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao
- » Thoát nghèo tri thức
- » Đề nghị nâng mức cho vay giải quyết việc làm