Điểm tựa giúp phụ nữ vươn lên thoát nghèo

09/10/2014
(VBSP News) Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội Phụ nữ các cấp. Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, chuyển giao KHKT, đưa nguồn vốn ưu đãi đến với hội viên, tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.
NHCSXH tổ chức giao dịch tại xã giúp người vay tiết giảm chi phí

NHCSXH tổ chức giao dịch tại xã giúp người vay tiết giảm chi phí

Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH là một trong những kênh quan trọng giúp hàng nghìn phụ nữ thoát nghèo. Để thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay, Hội Phụ nữ các cấp tích cực tham gia cùng với chính quyền, các đoàn thể xác định đối tượng hộ nghèo, phụ nữ nghèo có đủ điều kiện vay vốn, xác định đối tượng vay vốn theo từng chương trình ưu đãi để phụ nữ nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhanh nhất; lồng ghép tuyên truyền chủ trương, chính sách mới về tín dụng ưu đãi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất với các nội dung sinh hoạt hội.

Thị xã Hương Trà là một trong những điểm sáng trong việc sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Hơn 2 năm qua, Hội Phụ nữ thị xã Hương Trà nhận ủy thác từ NHCSXH cho gần 2.500 hộ vay tổng số hơn 43 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ mà hội tham gia quản lý lên hơn 124 tỷ đồng cho hơn 7.400 hộ vay. Hội cũng chủ động phối hợp với các ban, ngành chức năng tổ chức hơn 90 lớp tập huấn chuyển giao KHKT hỗ trợ phát triển kinh tế, từ đó hình thành nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao như mô hình chăn nuôi ở Hương Vân, trồng rừng thương mại ở Hương Bình, Hồng Tiến… Chị Trần Thị Tuyết - Chủ tịch Hội Phụ nữ thị xã Hương Trà cho biết: Nhờ làm tốt công tác điều hành và quản lý nguồn vốn vay, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,25%; nhiều gia đình hội viên, phụ nữ đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập trên 50 triệu đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thị xã xuống còn 5,7%.

Với 20 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH, gia đình chị Huỳnh Thị Cúc ở xã Hương Bình, thị xã Hương Trà, đã vươn lên thoát nghèo. Thông qua Hội Phụ nữ xã, chị được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi. Có vốn và kiến thức, chị đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn thịt, đào ao thả cá và thả gần 1.000 con gà, vịt. Chị còn tận dụng đất vườn để trồng các loại hoa màu, đậu… Nhờ vậy, trung bình mỗi năm gia đình chị thu hơn 100 triệu đồng.

Phối hợp với NHCSXH tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế là việc làm đang được các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh thực hiện hiệu quả. Hội đã tăng cường khai thác, huy động các nguồn hỗ trợ phụ nữ ở khắp 100% xã, phường, trong đó chương trình ủy thác với NHCSXH chiếm 60% tổng dư nợ ngân hàng. Hiện nay tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh là 1.007 tỷ đồng với 65.906 phụ nữ được vay vốn. Hội cũng tạo điều kiện cho 100% phụ nữ vay vốn được tham gia các khóa tập huấn, hội nghị đầu bờ, tham quan… để nâng cao kỹ thuật sản xuất, kiến thức kinh doanh.

Bên cạnh việc giúp vốn và chuyển giao KHKT trong sản xuất kinh doanh, các cấp Hội Phụ nữ còn chú trọng việc giải quyết việc làm tăng thu nhập cho chị em, đặc biệt là phụ nữ nông thôn, miền núi. Từ năm 2011 đến nay, hội đã đào tạo nghề cho gần 7.000 phụ nữ, trong đó có 867 phụ nữ dân tộc thiểu số; tổ chức giao dịch việc làm, tư vấn cho hơn 5.000 lao động nữ vào làm việc tại các khu công nghiệp, xuất khẩu lao động.

Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 7.080 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ. Tỉnh Hội đã triển khai xây dựng nhiều mô hình tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững, trong đó có mô hình tiết kiệm tự nguyện, mỗi hội viên tiết kiệm từ 5.000 - 10.000 đồng/tháng, đến nay đã tiết kiệm hơn 12 tỷ đồng giúp hơn 6.400 hội viên vay vốn. Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế cũng đạt nhiều thành quả, qua đó giúp 4.431 hộ phụ nữ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Bà Phan Thị Thanh Hà - Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 6,5%, từng bước cải thiện điều kiện sống, sức khỏe, môi trường… cho phụ nữ theo tiêu chí nông thôn mới. Thời gian tới, Hội tiếp tục khai thác các nguồn vốn vay hỗ trợ phụ nữ, duy trì hoạt động tiết kiệm tạo nguồn vốn tại chỗ; phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau thoát nghèo bền vững; phấn đấu đến cuối năm 2016 có 100% số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được giúp đỡ, trong đó 40% số hộ nghèo có sức lao động vươn lên thoát nghèo.

Bài và ảnh Lê Diệu Linh - Tường Vi

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác