“Cú hích” giúp dân nghèo làm giàu
Đưa chính sách về cơ sở
Hiện, dư nợ cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo được NHCSXH tỉnh Quảng Bình thực hiện đạt gần 970 tỷ đồng với 61.254 hộ. Trước đây, hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn với mức vay tối đa là 30 triệu đồng. Với mức vay này, hộ vay phải tính toán rất kỹ mới có thể đầu tư sản xuất hiệu quả được. Trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay, việc nâng mức cho vay là cần thiết, chính vì thế ngay sau khi có chủ trương, NHCSXH tỉnh Quảng Bình đãtổ chức tuyên truyền đến đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, thực hiện niêm yết công khai chủ trương trên bảng thông tin của NHCSXH tại tất cả các Điểm giao dịch. NHCSXH cũng đã phối hợp với chính quyền các xã, tổ chức hội, đoàn thể và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức họp giao ban triển khai nội dung chính sách trên để các tổ tiến hành sinh hoạt và đăng ký nhu cầu vay của người dân.
Các cấp chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở định hướng và hướng dẫn cho hộ vay về phương án làm ăn trước khi vay. Bên cạnh đó, theo dõi, giúp đỡ và giám sát hộ vay trong quá trình sử dụng vốn, có như vậy mới giúp được hộ vay hạn chế được rủi ro và vốn đầu tư sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Để làm được điều này thì cần phải kết hợp với các cơ quan chuyên môn về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… tập huấn kiến thức KHKT trong sản xuất, kinh nghiệm trong kinh doanh cho bà con trước khi vay vốn, đồng thời giúp đỡ họ trong quá trình sử dụng vốn.
Cụ thể hóa cho vay
Giám đốc NHCSXH huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Hải, cho biết: Đến nay, NHCSXH huyện có tổng dư nợ cho vay hộ nghèo là 136 tỷ đồng, hộ cận nghèo là 20 tỷ đồng. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn với mức cho vay mới đã được NHCSXH huyện tiến hành hoàn tất thủ tục cho 10 hộ với số tiền 500 triệu đồng. Các hộ còn lại sẽ được NHCSXH huyện tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để bà con nhận được số tiền vay mức tối đa trong thời gian nhanh nhất.
Theo chân cán bộ tín dụng về thăm gia đình ông Trần Đăng Ve ở thôn Thái Sơn, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy. Nhà ông Ve đông con, điều kiện kinh tế vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, khi ở tuổi 60 rồi nhưng vợ chồng ông phải nuôi thêm đứa con trai bị tai nạn lao động đang nằm liệt giường. Để có điều kiện chăm con và cải thiện kinh tế gia đình, ông Ve đã mạnh dạn đấu thầu 15ha đất để trồng rừng keo và thông… Ông đã được NHCSXH hướng dẫn, tư vấn hình thức cho vay, chỉ trong một thời gian ngắn, ông Ve đã được vay 50 triệu đồng. Với số tiền này ông dự kiến sẽ gia cố thêm rừng cây nguyên liệu và tiếp tục đầu tư trồng mới khoảng 100 gốc cây hồ tiêu.
Chia sẻ với chúng tôi, ông cho biết: “Trước đây gia đình tôi là hộ nghèo, nhưng nhờ đồng vốn ưu đãi chúng tôi đã đầu tư trồng cây nguyên liệu xen lẫn cây ngắn ngày, nhờ vậy gia đình đã thoát nghèo và nay đang là cận nghèo. Tôi rất mừng vì gia đình mình là một trong những hộ đầu tiên được nhận nguồn vốn ưu đãi này. Tôi sẽ sử dụng vốn vay đúng mục đích và phấn đấu trả nợ đúng thời hạn”.
Có thể nói, đây chỉ là bước khởi đầu, nhưng việc nâng mức cho vay tối đa cho hộ nghèo, hộ cận nghèo lên 50 triệu đồng/hộ vay là quyết định phù hợp với tình hình thực tế, được chính quyền và các đối tượng chính sách đồng tình ủng hộ.
“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đề xuất bổ sung nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo, đồng thời chỉ đạo Tổ tiết kiệm và vay vốn tiến hành họp bình xét công khai dân chủ để các hộ có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế, tăng thu nhập thoát nghèo bền vững”, Giám đốc NHCSXH huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Hải khẳng định.
Bài và ảnh Phương Hiền
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Cần Thơ đủ vốn cho HSSV vay
- » Vốn chính sách trợ lực cho phụ nữ phát triển sản xuất
- » “Bà đỡ” của hộ nghèo
- » Lào Cai tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Nông dân Diễn Châu được tiếp sức
- » Vốn chính sách phát huy hiệu quả trên mảnh đất cội nguồn Cách mạng
- » Nâng bước trò nghèo
- » Có vốn, có nhà vững chãi
- » Tạo cơ hội thoát nghèo bền vững cho nông dân miền Đông Nam bộ