Ngư dân nghèo được giải tỏa nỗi lo vay tiền “đầu nậu”

22/07/2014
(VBSP News) “Giờ, hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được vay tới 50 triệu đồng, giải tỏa được nỗi lo vay tiền “đầu nậu” để chuẩn bị chuyến đi biển, cũng đủ tiền cho các gia đình có thể làm gì đó ra tấm, ra món hơn”, ông Trần Văn Kháng ở thôn Đông Thạnh 1, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) chia sẻ.
Nhờ Chương trình tín dụng hộ cận nghèo, nhà ông Kháng có thêm điều kiện chuẩn bị chuyến đi biển

Nhờ Chương trình tín dụng hộ cận nghèo, nhà ông Kháng có thêm điều kiện chuẩn bị chuyến đi biển

Chỉ mong không phải mua thiếu “đầu nậu”

Chỉ chiếc xe lôi máy đỗ ngoài sân, ông Nguyễn Văn Hùng ở thôn Đông Thạnh 1, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) khoe chiếc xe này mới được “độ” lại thùng Inox để tránh han gỉ từ nguồn vốn vay hộ cận nghèo. Hộ ông Hùng là “khách quen” của NHCSXH huyện Bình Sơn, từng vay chương trình hộ nghèo từ lâu. Chiếc xe là “cần câu cơm” của cả nhà ông, vì cả nhà làm hậu cần vận chuyển cá từ các tàu ra chợ, chở thuê cho thương lái, ngoài mùa cá còn chở vật liệu xây dựng cho nên cần một chiếc thùng xe vững chắc, chống han gỉ. “Đợt vừa rồi, gia đình mới chỉ dám vay chừng 20 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo đầu tư cho chiếc xe này. Gia đình đang tính vay thêm để đầu tư nâng cấp hệ thống bể làm ốc”, ông Hùng nói.

Theo giới thiệu của ông Lê Ái - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh, ở xã ven biển này, ngoài các hộ vay tiền sắm ngư lưới cụ thì một số hộ còn lại nuôi bò, đa phần đều khó khăn. Hộ ông Trần Văn Kháng trước đây cũng vay hộ nghèo, mới thoát nghèo năm 2013 và vay 20 triệu đồng hộ cận nghèo từ tháng 5 năm 2014. Ông Kháng cho biết, gia đình ông chung tàu đánh bắt xa bờ, trước mỗi chuyến đi biển cần khoảng 150 triệu đồng để chuẩn bị dầu, đá, lương thực, nên 7 người chung nhau đi bạn, mỗi người phải chi ít nhất 20 - 25 triệu đồng. “Chúng tôi chỉ muốn trả tiền mặt cho người bán dầu, bán đá, nếu không bị họ tính giá cao, rồi sản phẩm làm ra về phải bán cho họ. Họ định giá, mình đã mượn tiền, mua nợ rồi đành phải chịu”, ông kể. Thế nên, ông Kháng hào hứng lắm khi nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo được tăng mức tới 50 triệu đồng mỗi hộ vay và nhất là khi cán bộ tín dụng cho hay, nguồn vốn cho chương trình này luôn được đáp ứng đủ nếu người dân có dự án, kế hoạch phù hợp.

Đề nghị cho hộ nghèo có ý thức tốt vay hết khung

“Trong 6 tháng đầu năm 2014, NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi đã tạo điều kiện cho trên 20.844 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi, đầu tư phát triển kinh tế, sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt…, trong đó có 4.176 lượt hộ nghèo, 6.765 lượt hộ cận nghèo. Đến 30/6/2014, tổng dư nợ đạt hơn 2.245 tỷ đồng, tăng trưởng 4,94% so với đầu năm, chủ yếu tập trung vào chương trình cho vay hộ cận nghèo”.

Quanh thôn trên, xóm dưới, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng trông mong vào nguồn vốn tín dụng chính sách. Bà Huỳnh Thị Mười - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn số 6, thôn Đồng Thạnh 2 cho biết: tổ có 39 tổ viên thì 37 tổ viên vay vốn, chủ yếu để sắm lưới, sắm ghe câu nhỏ. Hiện tổ có mười mấy hộ cận nghèo vay 15 - 20 triệu đồng. “Đợt đầu, nhiều hộ có nhu cầu vay nhưng nguồn vốn chừng mực nên mỗi người được vay ít. Hơn nữa, lãi suất cũng khá cao nên một số hộ còn đang tính toán dùng vốn cho hiệu quả trước khi quyết định vay thêm”, bà Mười nói.

Ông Đỗ Văn Lập - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đánh giá cao việc Nhà nước tăng mức vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, bởi trong bối cảnh hiện nay, để người nghèo thoát nghèo thực sự bền vững, phải tạo điều kiện giải quyết việc làm cho họ, tức là phải có vốn và phải có mô hình đi đôi. “Đất của xã đã được thu hồi làm khu công nghiệp, phần còn lại được làm gì hay không còn chờ quy hoạch chi tiết sử dụng đất đến năm 2020 do Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất trình phê duyệt, thành ra có lúc người dân không có đất mà dự án “treo” mãi nên cũng xót của - ông Lập nói - xây dựng nông thôn mới cũng chờ quy hoạch, giải quyết việc làm cho người dân cũng chờ quy hoạch. Ví như cách đây ít lâu, tập huấn cho người dân làm mô hình nuôi gà thả vườn, nhưng giờ vườn đâu ra mà thả. Thành ra, để người dân không tái nghèo, Nhà nước cần nhanh chóng phê duyệt quy hoạch đất để chính quyền cùng người dân tìm mô hình sử dụng hiệu quả đồng vốn chính sách”.

Còn từ thực tế địa phương mình, ông Trần Đình Tiến - Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ (Quảng Ngãi) nhận định, việc tăng hạn mức vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo lên mức tối đa 50 triệu đồng là tín hiệu tốt giúp người dân từng bước bớt phụ thuộc vào việc vay vốn lãi suất cao bên ngoài. “Theo tôi, Nhà nước cần ưu tiên xem xét cho hộ nghèo có ý thức sử dụng vốn hiệu quả và trả nợ nghiêm túc được vay ưu đãi hết khung quy định”, ông Tiến bày tỏ.

Theo Hoàng Thủy - Báo Pháp luật Việt Nam

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác