Tạo thuận lợi cho người nghèo vay vốn ưu đãi

05/06/2014
(VBSP News) Những người làm công tác tín dụng chính sách trên vùng rẻo cao biên giới Điện Biên từ kiêm nhiệm đến trực tiếp, từ Ban đại diện HĐQT các cấp đến bộ phận tác nghiệp rất phấn khởi được biết tổng dư nợ của NHCSXH toàn tỉnh đến nay đạt trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 1% trên tổng dư nợ, tỷ lệ thu lãi hằng năm trên 95%; đặc biệt đã có gần 55 nghìn hộ dân trên địa bàn sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi cải thiện cuộc sống, chuyển biến nhận thức, quy cách làm ăn, xoá dần cảnh nghèo khó và có thêm việc làm mới, tăng thu nhập hơn trước nhiều lần.
Đồng bào dân tộc xã Sá Tổng, huyện Mường Chà (Điện Biên) nhận vốn vay ưu đãi ngay tại Điểm giao dịch

Đồng bào dân tộc xã Mường Tùng, huyện Mường Chà (Điện Biên) nhận vốn vay ưu đãi ngay tại Điểm giao dịch

Những kết quả ấy phản ánh sự cố gắng thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, nhất là việc chú trọng cải tiến một số quy trình liên quan đến quá trình vay vốn ưu đãi của người dân và tăng cường mối quan hệ với các cấp chính quyền và các hội, đoàn thể nhận ủy thác để giúp người dân vay vốn thuận tiện nhanh chóng, chính xác và sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả.

Đây cũng là nét nổi bật nhất trong hơn 11 năm hoạt động của NHCSXH tỉnh Điện Biên với 8 Phòng giao dịch cấp huyện cùng với 130 Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn đã tổ chức thực hiện hiệu quả 11 chương trình tín dụng ưu đãi.

Theo ông Đàm Xuân Triệu - Giám đốc NHCSXH tỉnh, hiện nay, hầu hết các hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên vùng rẻo cao Điện Biên có tham gia sinh hoạt ở Tổ tiết kiệm và vay vốn, được bình xét vay vốn chính sách, được chính quyền cơ sở xác nhận… đều đã được NHCSXH tổng hợp hồ sơ và giải ngân cho vay vốn tại các Điểm giao dịch nơi họ cư trú. Nếu như trước đây bà con phải sử dụng nhiều loại giấy tờ, biểu mẫu kê khai khi làm thủ tục vay vốn thì nay được cấp một quyển Sổ vay vốn, một mã số khách hàng dùng trong một quá trình vay vốn ở Điểm giao dịch tại xã của NHCSXH. Với việc đơn giản hoá các thủ tục hành chính và đổi mới khâu giao dịch đã góp phần nâng tổng dư nợ các chương trình tín dụng và doanh số cho vay của NHCSXH tăng lên đáng kể, đồng thời giảm nhiều phiền hà cho khách hàng rất nhiều.

Chị Lò Thị Ánh ở bản Tân, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, cho biết: Thủ tục đề nghị vay vốn của NHCSXH khá đơn giản, dễ hiểu, tôi chỉ viết vào đơn và nộp cùng Sổ vay vốn cho Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ghi rõ nội dung, thời gian, số lượng tiền vay theo chỉ dẫn. Sau đó, tổ lập danh sách đề nghị NHCSXH xem xét cho vay. Chỉ sau vài ngày, gia đình tôi được ngân hàng về tận trụ sở UBND xã (Điểm giao dịch) cho vay 20 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản.

Tương tự, gia đình chị Quỳnh Thị Thoan ở bản Noong Giáng, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Năm 2012, chị là thành viên tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn của bản thuộc Hội Phụ nữ xã quản lý được NHCSXH huyện giải quyết cho vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi để chăn nuôi lợn nái. Vừa làm vừa học hỏi, tích cực áp dụng tiến bộ KHKT nên mô hình chăn nuôi của nhà chị Thoan đã có kết quả. Cuối năm ngoái, đàn lợn giống của chị bán được giá, trừ mọi chi phí còn thu ngót 80 triệu đồng.

Thông qua việc cải tiến thủ tục quy trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH, bản Quài Nưa đã có hàng trăm hội viên nông dân, phụ nữ vay vốn nhanh chóng, dễ dàng với hơn 1,3 tỷ đồng.

Ông Cà Văn Ánh - Phó Chủ tịch UBND xã Quài Nưa, nhận xét: Nhờ vay vốn ưu đãi kịp thời, thuận lợi bà con đã nuôi thêm nhiều lợn, trâu, bò, đào ao trên núi để thả cá. Những khoản vay tuy không lớn nhưng là cơ sở ban đầu, cộng thêm hỗ trợ về kiến thức thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn đã góp phần giúp nhiều gia đình trong xã thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.

Bên cạnh việc cải tiến thủ tục liên quan đến quá trình vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể làm nhiệm vụ uỷ thác thực hiện nghiêm chỉnh nghiệp vụ phát hành Biên lai thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn, xác định ngày chốt lãi để in Biên lai tính lãi, định kỳ thanh toán chi trả tất cả các khoản hoa hồng cho Tổ tiết kiệm và vay vốn vào NHCSXH giao dịch cố định tại xã… Thông qua những việc làm mới đó không những góp phần cải cách thủ tục hành chính, mà còn đảm bảo chặt chẽ hơn trong quản lý, nối liền ngân hàng với khách hàng, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra và tạo thuận lợi cho người dân kịp thời vay vốn, chủ động sử dụng vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, xóa nghèo bền vững, nâng cao đời sống.

Bài và ảnh Trần Văn Đởng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác