Hộ cận nghèo tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vươn lên phát triển kinh tế bền vững
Ông Lê Văn Trương - Giám đốc NHCSXH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Đến hết quý I/2014, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng của chi nhánh đạt 1.073 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ hộ cận nghèo 158 tỷ đồng với 7.168 hộ. Qua 1 năm thực hiện chương trình cho vay hộ cận nghèo, rất nhiều hộ vay đã sử dụng vốn đạt hiệu quả cao. Ghi nhận những thông tin này, chúng tôi đã thực hiện chuyến đi thực tế đến các hộ vay vốn”.
Đến hộ ông Phạm Giáo tại ấp Tân Thành, xã Quảng Thành, một xã thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Châu Đức. Nhiều năm qua, cuộc sống khó khăn theo đuổi gia đình ông kể từ khi vợ ông mắc bệnh phải chạy chữa thuốc men và không được lao động nặng, trong khi đứa con gái lại bị bệnh bẩm sinh bởi ảnh hưởng chất độc da cam. Trước hoàn cảnh này, ông Giáo được bình xét vay vốn chính sách theo diện hộ nghèo. Sau 3 năm nỗ lực vươn lên từ việc sử dụng vốn vay vào đầu tư cây tiêu, hiện vườn tiêu 4.000m2 của ông đã trồng được 350 trụ tiêu. Năm 2013, ông Giáo thu hoạch vụ đầu tiên được hơn 2 tạ tiêu hạt trị giá trên 20 triệu đồng và thoát nghèo. Trả xong nợ vay cũ, ông Giáo được bình xét tiếp tục cho vay vốn mới theo diện hộ cận nghèo. Đứng giữa vườn tiêu xanh mát, chỉ tay vào những trụ tiêu vươn lên đầy sức sống, ông Giáo phấn khởi nói: “Với số tiền vay 15 triệu đồng ưu đãi của Nhà nước từ chương trình hộ cận nghèo, tôi tiếp tục gắng sức đầu tư chăm sóc vườn tiêu với hy vọng vụ tiêu tới đây sẽ cho thu hoạch từ 8 tạ trở lên”. Giá thu mua tiêu tại thời điểm này từ 120 - 130 nghìn đồng/kg, nếu vườn tiêu của ông Giáo được như kỳ vọng, tính ra gia đình ông sẽ có thu nhập đạt mức 100 triệu đồng sau niên vụ tiêu 2014 - 2015.
Đến hộ bà Nguyễn Thị Xuân ở ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc gặp lúc bà đang chăn thả 3 con bò cho ăn cỏ bên mảnh đất gần nhà. Bà Xuân cho biết: “Những năm trước đây, gia đình bà là hộ nghèo ở địa phương. Năm 2009, thông qua bình xét của Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân xã quản lý, bà được ngân hàng cho vay 15 triệu đồng chăn nuôi bò sinh sản. Số tiền vay cùng với vốn của gia đình, bà Xuân chỉ mua được một con bò giống. Nhưng với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, bà đã ra sức chăm sóc tốt. Nhờ vậy, đến tháng 9/2013, con bò này đã sinh sản ra thêm 1 bò con. Bán 1 con bò để trả nợ cũ đúng hạn, bà Xuân được bình xét cho vay vốn theo chương trình tín dụng hộ cận nghèo và nhận tiền vay vào tháng 10 năm ngoái với số tiền 20 triệu đồng. Bà Xuân dùng số tiền vay mua thêm 1 con bò, hiện bà có 2 con bò đang thời kỳ sinh sản. Bà Xuân dự tính đến năm 2015 đàn bò của gia đình bà sẽ tăng lên 4 con.
Việc cho vay vốn các chương trình tín dụng của NHCSXH đều được ủy thác qua các hội, đoàn thể thực hiện từ khâu bình xét cho vay, hỗ trợ nhận vốn đến kiểm tra đôn đốc người vay sử dụng vốn đúng mục đính và trả nợ vay đúng hạn. Nhằm thực hiện tốt hơn chương trình cho vay đối với hộ cận nghèo cũng như các chương trình tín dụng khác, chi nhánh sẽ tập trung nâng cao hoạt động cho vay ủy thác qua các hội, đoàn thể; tăng cường phối hợp với cơ sở trong công tác kiểm tra, giám sát để chủ động phòng ngừa rủi ro, bảo đảm chất lượng tín dụng theo đúng quy định, qua đó, tiếp tục góp sức cùng với địa phương thực hiện chủ trương giảm nghèo theo hướng bền vững và đảm bảo an sinh xã hội.
Bài và ảnh Nhựt Thanh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Nghệ An cho vay hộ cận nghèo
- » Nhịp cầu dẫn vốn
- » Tiếp vốn cho hộ cận nghèo
- » Phụ nữ vùng công giáo sử dụng vốn vay chính sách hiệu quả cao
- » Thị xã Sơn Tây làm tốt công tác ủy thác vốn vay ưu đãi
- » Ban chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới Trung ương làm việc tại tỉnh Tây Ninh
- » Ghi nhận từ một phường xóa gần hết hộ nghèo
- » Hộ cận nghèo ở Hậu Giang đã có cơ hội thoát nghèo bền vững
- » Ban chỉ đạo Trung ương về xây dựng Nông thôn mới làm việc tại tỉnh Bình Phước