UBND tỉnh Thanh Hóa sơ kết 1 năm thí điểm bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện
Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Thanh Hóa.
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí: Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế - NHNN; Nguyễn Đức Hải - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH; đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, các Sở, ban ngành tỉnh Thanh Hóa, chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang, Long An. Đặc biệt có sự tham dự của các vị Chủ tịch UBND cấp xã mới được bổ sung vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện năm 2013.
Hiệu quả 1 năm triển khai
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc NHCSXH tỉnh Thanh Hóa, Lê Hữu Quyền nhấn mạnh: Thực hiện Công văn số 990/VPCP-KTTH ngày 31/1/2013 của Văn phòng Chính phủ về việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, tính đến 31/3/2014, Thanh Hóa đã bổ sung 637 Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, nâng tổng số thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh lên 897 thành viên.
Thực tiễn sau 1 năm thực hiện triển khai cho thấy, việc bổ sung Chủ tịch xã làm thành viên Ban đại diện đã giúp công tác tổ chức họp định kỳ tại địa phương được đảm bảo và có chất lượng hơn. Đa số Chủ tịch UBND xã đã tiếp thu nội dung cuộc họp, triển khai kịp thời chủ trương, chính sách mới, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH tại tỉnh Thanh Hóa.
Chủ trương bổ sung Chủ tịch UBND xã làm thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện đã khẳng định được trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã, nâng cao vai trò của chính quyền đối với nguồn vốn tín dụng chính sách. Trước đây, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chưa đều khắp, có nơi còn chưa làm hết trách nhiệm của mình, nhất là khâu giám sát hoạt động và lựa chọn khách hàng, chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn không đồng đều. Từ khi Chủ tịch UBND cấp xã vào cuộc, trực tiếp chỉ đạo Ban giảm nghèo, các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác, Trưởng thôn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động yếu kém đã kịp thời được củng cố, các chủ trương chính sách mới được triển khai kịp thời đến Ban giảm nghèo, tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác, Trưởng thôn và nhân dân trên địa bàn. Qua đó, công tác kế hoạch tín dụng được điều hành linh hoạt, kịp thời, hoạt động cho vay, gửi tiết kiệm đạt kết quả cao.
Tính đến 31/3/2014, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đạt 6.757 tỷ đồng, tăng 420 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2013 với 112,6 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tỷ lệ hộ tham gia gửi tiền tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn tăng từ 70% lên 75%, tỷ lệ thu lãi cũng cao hơn trước (từ 90% lên 98%). Công tác thu hồi nợ quá hạn đã có chuyển biến rõ rệt, đến 31/3/2014, nợ quá hạn là 41,1 tỷ đồng (chiếm 0,6 % trong tổng dư nợ), giảm 6,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, chất lượng hoạt động của các xã trong tỉnh có chuyển biến đồng đều hơn. Đến nay toàn tỉnh có 69 xã (chiếm 11%) không có nợ quá hạn, tăng 6 xã so với trước khi thí điểm, có 378 xã nợ quá hạn dưới 0,5%, giảm 22 xã so với trước khi thí điểm. Toàn tỉnh chỉ còn 34 xã phải xây dựng phương án nâng cao chất lượng tín dụng, giảm so với trước thí điểm 30 xã (là các xã có nợ quá hạn trên 2%).
Khi Chủ tịch xã làm tín dụng
Theo ý kiến đánh giá của ông Nguyễn Đình Tuy - Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện NHCSXH huyện Hoằng Hóa: “Sự tham gia của Chủ tịch UBND xã đã tạo nên một vị thế mới, diện mạo mới và trách nhiệm hơn cho Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Hoằng Hóa. Bằng những biện pháp sâu sát, cụ thể sau khi được triển khai đã tạo nên sự thay đổi cơ bản cả về chất và lượng trong hoạt động tín dụng ưu đãi tại nhiều xã trong huyện. Như vốn vay đã được gắn liền với phát triển kinh tế, ngành nghề của xã dẫn đến thúc đẩy nhanh hơn, sát hơn việc giảm nghèo trên phạm vi toàn huyện. Bên cạnh đó, việc giám sát sử dụng vay vốn của hộ vay được chặt chẽ hơn dẫn đến việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đúng mục đích, thu nợ thu lãi được đảm bảo, nợ quá hạn giảm dần”.
Còn theo đánh giá của Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trần Ân Sinh - thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Thanh Hóa: “Hiệu quả của mô hình thí điểm này có thể thấy rõ nhất trong công tác điều tra xây dựng kế hoạch tăng trưởng vốn, kịp thời phân bổ vốn đến cấp thôn làm cơ sở cho các tổ chức nhận ủy thác và Trưởng thôn tổ chức họp bình xét cho vay kịp thời hơn. Đồng thời, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn được nâng lên rõ rệt, công tác kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn, thay thế Tổ trưởng năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, được chỉ đạo kịp thời”.
Thêm vào đó, thực tế trước đây cho thấy do đa số các thành viên là kiêm nhiệm nên công tác kiểm tra giám sát chưa được thường xuyên. “Sau khi được bổ sung, Chủ tịch UBND xã xác định công tác kiểm tra và giám sát là vấn đề mấu chốt để phát hiện ra các sai sót trong công tác quản lý vốn vốn tín dụng chính sách tại các thôn từ đó có biện pháp để chấn chỉnh kịp thời. Từ việc tham gia sinh hoạt cùng Tổ tiết kiệm và vay vốn, lắng nghe nguyện vọng của người dân, qua đó không những nắm được tình hình quản lý và sử dụng vốn tín dụng ưu đãi mà còn có những chỉ đạo sát sao trong công tác điều hành công việc, xử lý kịp thời những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dân…”, ông Lê Công Xanh - Chủ tịch UBND xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đào Hữu Ngọc - Chủ tịch UBND xã Tiến Nông, huyện Triệu Sơn cũng chia sẻ thêm về kinh nghiệm làm tín dụng của mình: “Đối với những hộ vay vốn chây ì, Chủ tịch xã sẽ đồng thời là Trưởng ban thu hồi nợ, trực tiếp mời hộ vay lên làm cam kết trả nợ, lãi và gốc đúng quy định. Sự tham gia trực tiếp của Chủ tịch xã đã nâng cao ý thức trách nhiệm của các đối tượng vay vốn”.
Với vai trò là người trực tiếp tham gia, bà Mai Thị Khoa - Chủ tịch UBND xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn khẳng định: Đây là mô hình phù hợp với tình hình thực tế, phát huy được hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội trong hoạt động tín dụng chính sách của Đảng và Chính phủ nói riêng cũng như thực hiện các giải pháp an sinh xã hội nói chung. Chủ trương này cần phải được quán triệt và tuyên truyền để các cấp, các ngành và nhân dân thấy được ý nghĩa, vai trò và trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã đối với công tác quản lý các nguồn tín dụng chính sách tại cơ sở để từ đó nhân rộng và thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
Có thể thấy, việc thí điểm bổ sung Chủ tịch UBND xã là thành viên Ban đại diện là chủ trương thiết thực, đúng đắn, giúp NHCSXH chuyển tải nguồn vốn tín dụng tới đúng đối tượng được thụ hưởng, song bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ. Chia sẻ những trăn trở đó, ông Đào Hữu Ngọc - Chủ tịch UBND xã Tiến Nông, huyện Triệu Sơn cho biết: “Là Chủ tịch UBND xã được tham gia Ban đại diện HĐQT cấp huyện, là người đứng đầu của địa phương nên công việc nhiều dẫn đến thời gian cho việc kiểm tra đôn đốc quản lý nguồn vốn vay NHCSXH còn hạn chế nên đôi lúc còn gặp khó khăn trong công tác điều hành”.
Nhiều Chủ tịch xã tham luận tại Hội nghị đều có chung kiến nghị đề xuất về việc đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo nhất quán Chủ tịch xã là Trưởng ban giảm nghèo cấp xã và tiếp tục duy trì việc tham gia là thành viên Ban đại diện HĐQT cấp huyện.
Phát biểu tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN Việt Nam, Nguyễn Viết Mạnh hoan nghênh UBND tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nghiêm túc, khách quan ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong những điểm quan trọng để NHNN có cơ sở nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ khi kết thúc thời gian thí điểm.
Đồng chí cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác thí điểm này; đặc biệt phát huy những mặt mạnh và khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Bên cạnh đó, cũng nhắc lại một lần nữa đánh giá của Đoàn giám sát Quốc hội: Chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là điểm sáng trong chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; để từ đó nâng cao nhận thức về ý nghĩa tín dụng chính sách của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân để có thể phát huy hơn nữa.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH, Nguyễn Đức Hải nhiệt liệt chúc mừng những kết quả đạt được và đánh giá cao UBND tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo kịp thời, UBND các huyện đã triển khai nghiêm túc và đặc biệt là sự vào cuộc của các đồng chí Chủ tịch UBND xã. Để mô hình Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện hoạt động hiệu quả hơn nữa, Phó Tổng Giám đốc đề nghị trong thời gian tới cần phải thường xuyên quan tâm kiện toàn Ban đại diện HĐQT khi có sự thay đổi về thành viên; cần chú trọng việc gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã với việc tín dụng chính sách trên địa bàn; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra giám sát của các Chủ tịch UBND cấp xã.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Thanh Hoá, Nguyễn Đình Xứng, khẳng định: Sau 11 năm hoạt động, kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy nơi nào cấp ủy, chính quyền cấp xã quan tâm thì nơi đó các chính sách tín dụng ưu đãi sẽ nhanh chóng đến với người dân, công khai hơn, mang lại hiệu quả cao hơn. Điều đó có thể khẳng định vai trò quan trọng của việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị - xã hội cùng chung sức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước. Để cấp ủy, chính quyền cấp xã thực sự vào cuộc và quản lý chặt chẽ nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội thì việc bổ sung Chủ tịch UBND xã làm thành viên Ban đại diện HĐQT cấp huyện là rất cần thiết và phù hợp.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đã biểu dương và khen thưởng 44 Chủ tịch xã có thành tích xuất sắc trong 1 năm thực hiện triển khai thí điểm.
Tin và ảnh Trần Trang - Tuấn Ngọc
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Khi Chủ tịch xã làm tín dụng
- » Về Điện Biên hôm nay
- » Thư chúc mừng của Thống đốc NHNN nhân dịp kỷ niệm 63 năm thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam
- » Khắc phục “ba thiếu”, góp phần giảm nghèo bền vững
- » Mường Ảng giảm nghèo theo địa chỉ
- » Cho vay 6 triệu đồng/hộ để xây mới, cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường
- » Để xóm làng thêm vui, trong lành
- » Tự hào thành phố mang tên Bác Hồ
- » Hiệu quả bước đầu thí điểm bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện ở Long An