Vốn vay ưu đãi đã được bà con nông dân Ninh Nhất sử dụng hiệu quả

28/02/2014
(VBSP News) Đúng như lời giới thiệu của Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Bình Lã Thị Hồng Yến. Ninh Nhất không chỉ là tên địa danh của một vùng quê mà còn là xã miền núi duy nhất có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất thuộc TP. Ninh Bình. Trong những năm gần đây, do tốc độ đô thị hóa nhanh, đất đai trồng lúa, ngô bị thu hẹp, nên việc vay vốn để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xóa nghèo ở Ninh Nhất cũng trở thành vấn đề cấp thiết nhất. Được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, ngành, nhất là của NHCSXH, người dân trong xã Ninh Nhất đã được tiếp cận với nhiều chương trình vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.
Trong năm nay, mục tiêu đặt ra của tỉnh Ninh Bình giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn khoảng 5%

Trong năm nay, mục tiêu đặt ra của tỉnh Ninh Bình giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn khoảng 5%

Để có cơ sở thực tế tại địa phương, bà Nguyễn Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban giảm nghèo xã Ninh Nhất phấn khởi cho biết: NHCSXH đã trở thành động lực chính cho hơn 2.000 hộ dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo… ở tất cả 10 thôn trong xã vượt qua khó khăn, xây dựng Nông thôn mới. Tính đến 31/1/2014, xã Ninh Nhất đã có hơn 1.034 lượt hộ được vay vốn NHCSXH với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng, trong đó: chương trình cho vay hộ nghèo là 379 lượt hộ vay là 2,4 tỷ đồng, chương trình tín dụng HSSV là 417 lượt hộ vay là 3,4 tỷ đồng. Cùng với đó là việc vay vốn ưu đãi để giải quyết việc làm, xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và đi xuất khẩu lao động có thời hạn nước ngoài. Từ nguồn vốn vay đó mà nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách nơi miền quê Ninh Nhất có điều kiện vay vốn đầu tư sản xuất, tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập.

Tiêu biểu như gia đình ông Hà Văn Lê vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi của Chương trình giải quyết việc làm đầu tư xây dựng lán trại, mua phôi giống, ươm nấm linh chi; ông Nguyễn Tử Trì ở thôn 5, sử dụng 100 triệu đồng vay của NHCSXH mở cơ sở may mặc, thêu ren, giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động tại chỗ; rồi đến hộ bà Hà Thị Hiên nhờ nguồn vốn NHCSXH hỗ trợ kịp thời nên đã phát triển chăn nuôi đàn lợn thịt, lợn nái, thoát cảnh nghèo khó, tạo thu nhập mỗi năm 60 triệu đồng. Kể thêm nữa ở Ninh Nhất còn khá nhiều hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được vay vốn ưu đãi kịp thời của Chương trình tín dụng HSSV để chăm lo cho con cái yên tâm học tập tại các trường đại học, cao đẳng… Bà Đinh Thị Tuyết ở thôn 3 có 2 người con học hành thành đạt ở Hà Nội, xúc động nói: “Chính nguồn vốn ưu đãi theo chính sách mới của Chính phủ, như “phao cứu trợ” cho con em nông dân chúng tôi có cơ hội phấn đấu thành người có học thức, giúp ích cho xã hội, gia đình. Hiện tại 2 người con tôi đã ra trường, có việc làm ổn định và cũng giúp gia đình hoàn trả hết nợ vay ngân hàng rồi”.

Đạt được kết quả trên là do cùng với sự cố gắng đưa nguồn vốn vay ưu đãi đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng được thụ hưởng, Ban giảm nghèo của xã Ninh Nhất thời gian qua đã liên tục phối hợp với NHCSXH và các ban, ngành giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo… được tiếp cận nhanh và sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả. Ban giảm nghèo xã còn phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách từng đơn vị thôn, xóm về công tác tín dụng chính sách; đồng thời, đẩy mạnh việc củng cố, kiện toàn hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, chỉ đạo các cấp hội, đoàn thể, Trưởng thôn và Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện bình xét công khai, dân chủ việc vay vốn của NHCSXH. Đặc biệt, để sử dụng tốt nguồn vốn vay ưu đãi, Ban giảm nghèo xã Ninh Nhất đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi… cho các đối tượng được vay vốn, để họ có thêm kiến thức lựa chọn những mô hình đầu tư sản xuất, kinh doanh thu kết quả cao.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn chính sách cũng được Ban giảm nghèo, các hội, đoàn thể và Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện thường xuyên. Cứ sau mỗi đợt giải ngân, các tổ chức này ở xã Ninh Nhất đều tiến hành kiểm tra thực tế các hộ vay vốn chính sách, nhắc nhở họ sử dụng vốn vay đúng mục đích, động viên họ làm tốt và định hướng tư vấn cho các hộ sản xuất kém hiệu quả. Đối với những hộ vay vốn đã quá hạn, thì xã tổ chức kiểm tra, đối chiếu và gặp gỡ họ với tinh thần vừa động viên, vừa nhắc nhở trả nợ, lãi đúng kỳ hạn. Đối với các hộ gặp rủi ro, Ban giảm nghèo xã tiến hành kiểm tra, xác minh cụ thể chính xác, sau đó mới đề xuất hướng xử lý phù hợp, khách quan với NHCSXH.

Theo đánh giá của Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Bình, với sự nỗ lực của Ban giảm nghèo xã Ninh Nhất, nguồn vốn ưu đãi ở đây đã được sử dụng đúng mục địch, hiệu quả thiết thực nhất, góp phần giúp 158 hộ thoát nghèo, 420 hộ cải thiện cuộc sống, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,57% vào mùa xuân Giáp Ngọ này.

Bài và ảnh Khánh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác