Chắp cánh cho những ước mơ
Thêm những nụ cười rạng rỡ
Chúng tôi đến xã Mỹ An thuộc huyện Thủ Thừa vào lúc NHCSXH huyện giải ngân cho người dân đang có nhu cầu kinh doanh, sản xuất theo diện hộ cận nghèo và HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Trên khuôn mặt của mỗi người dân đến nhận tiền, chúng tôi cảm nhận được sự vui mừng, phấn khởi khi đón nhận vốn. Đây là đồng vốn mà họ dùng để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh,… để vươn lên xoá nghèo, vượt qua khó khăn.
Chuyện với ông Nguyễn Văn Mới, nông dân ngụ ấp 2, xã Mỹ An - người vừa được vay vốn, cho biết, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Hai năm nay, nhờ có sự hỗ trợ của NHCSXH nên gia đình ông Mới đỡ lo về kinh tế; đồng thời, việc học của 8 người con, trong đó có 6 người con học đại học, cao đẳng và trung cấp, không bị gián đoạn. “Là người nông dân, tôi biết rõ sự khổ nhọc, “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” để có cái ăn. Vì vậy, không muốn cho con nối nghiệp nhà nông, tôi đã cố gắng cho con ăn học để sau này có việc làm. Tôi thật sự không biết xoay xở thế nào, nếu không có sự hỗ trợ của NHCSXH”, ông Nguyễn Văn Mới vui mừng chia sẻ.
Hay như anh Phạm Văn Lượm ngụ ấp 1, xã Mỹ An, vừa mới thoát nghèo thì lại gặp khó khăn về vốn phát triển kinh doanh. Nay nhờ có NHCSXH tỉnh Long An cho vay 30 triệu đồng theo chương trình hộ cận nghèo mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nên anh Lượm hùn vốn với người anh mua một chiếc ghe có trọng tải 10 tấn để chở lúa thuê. Bình quân, mỗi chuyến lãi được 2 - 3 triệu đồng. Anh Lượm vui vẻ, cho biết: “NHCSXH cho vay hộ cận nghèo rất dễ trả vì thời gian đủ dài để tích lũy trả vốn thuận tiện hơn”.
Còn em Lê Thanh Long, hiện đang là nhân viên của Công ty TNHH Mỹ An, tọa lạc ấp 2, xã Mỹ An thuộc huyện Thủ Thừa, cho biết: “Nhà chỉ có 2 anh em nhưng lại diện nhà nghèo, không có ruộng đất sản xuất cộng với cha mẹ già nên việc học hành khá vất vả. Khi được NHCSXH cho vay theo Chương trình tín dụng HSSV có hoàn cảnh khó khăn, em vừa mừng vừa lo. Mừng vì có tiền lo chi phí đi học, lo vì khi ra trường không biết có việc làm để trả hay không? Hiện với thu nhập hàng tháng của mình, số tiền quy định trả theo kỳ thì em có đủ để trả nợ được. Về lâu dài, em muốn ngân hàng nên tiếp tục không những hỗ trợ cho các bạn nghèo, mà ngay cả các bạn có hoàn cảnh khó khăn vay vốn”.
Tạo điều kiện cho các đối tượng khó khăn
Ông Nguyễn Trọng Điệp - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Long An cho biết, hiện nay đơn vị đang thực hiện cho vay tất cả 13 chương trình với tổng dư nợ trên 2.000 tỷ đồng cho trên 175.000 khách hàng vay vốn. Đặc biệt, trong năm 2013 nổi bật nhất là Chương trình tín dụng HSSV và hộ cận nghèo. Chính sách tín dụng đối với HSSV thật sự đã trở thành chương trình lớn và đi vào cuộc sống. Chương trình ra đời, tạo được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Đến nay, NHCSXH tỉnh Long An đã giải ngân được trên 45 tỷ đồng cho trên 7.500 sinh viên vay đi học. Đây được xem là chương trình đặc thù, có mức tăng trưởng dư nợ cao. Số dư nợ trên 600 tỷ đồng với trên 31.000 hộ vay cho hơn 37.000 HSSV đi học. Nhờ có chương trình này, nhiều em HSSV đã thực hiện ước mơ cắp sách đến trường, không bỏ dở việc học tập của mình.
Ngoài ra, trong năm 2013, NHCSXH tỉnh Long An cũng thực hiện cho vay hộ cận nghèo. Trước đây, những hộ cận nghèo vẫn còn nhiều khó khăn, rất cần sự tiếp sức của Nhà nước và các hội, đoàn thể để tránh tái nghèo. Vì thế, việc Chính phủ quyết định hỗ trợ vay vốn cho hộ cận nghèo là cách tiếp sức để đối tượng này an tâm từng bước thoát nghèo bền vững. Đây là chương trình mới triển khai trong năm theo Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện chi nhánh đã thực hiện cho vay gần 100 tỷ đồng với 6.000 hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn. Nhờ chương trình này, các hộ trước kia không có cơ hội tiếp cận nguồn vốn sản xuất, kinh doanh nay đã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thật sự thoát nghèo. Cụ thể, vốn vay được đầu tư chủ yếu để sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh… có nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều hộ cải thiện được đời sống, tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá giả. Mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhân rộng ra các địa phương khác trong vùng như mô hình trồng thanh long xông đèn trái vụ ở Dương Xuân Hội, Long Trì, Thanh Phú Long thuộc huyện Châu Thành; mô hình trồng dưa hấu ở xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh; mô hình chăn nuôi bò xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Huệ…
Thời gian tới, chi nhánh sẽ phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các hội, đoàn thể, các đơn vị nhận ủy thác tuyên truyền sâu rộng các tín dụng ưu đãi đến người dân nhằm tạo điều kiện cho họ tiếp cận tốt nhất với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. NHCSXH tỉnh Long An còn tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các đối tượng thuộc diện được cho vay, thực hiện công khai, minh bạch về lãi suất, định mức, đối tượng vay ngay từ cơ sở. Đồng thời, chi nhánh sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh triển khai các hoạt động vay và thu hồi nợ đúng qui định; chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các đối tượng vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao nhất.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Điệp cho biết: “Chúng tôi đề ra mục tiêu theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước; gắn với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ, hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Vì vậy, dù trong công việc có gặp không ít khó khăn, nhưng tập thể NHCSXH tỉnh Long An vẫn cố gắng hoàn thành, nhằm chắp thêm cánh cho những ước mơ đạt được hoài bão của mình, để vươn lên thật sự thoát nghèo, ổn định cuộc sống dài lâu”.
Bài và ảnh Thanh Bình
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Mùa xuân no ấm về tận vùng cao
- » Chắp cánh cho những ước mơ
- » Thừa Thiên - Huế cho hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế
- » Niềm vui có nước sạch của người dân tỉnh Quảng Trị
- » Thỏa những ước mơ
- » Tất cả vì nhiệm vụ cao cả
- » Động lực từ những mô hình giải quyết việc làm hiệu quả
- » “Cuộc chiến” thoát nghèo của nông dân vùng Bắc Tây Nguyên
- » Bắc cầu dòng vốn
- » Hai chức năng của những chòi tránh lũ