Điểm tựa giúp nông dân giảm nghèo

19/11/2013
(VBSP News) Khoảng hơn chục năm trước đây, lên huyện rẻo cao Kỳ Sơn để tìm những mô hình người dân tộc thiểu số biết cách vươn lên thoát nghèo, tự mình tạo dựng cuộc sống ấm no là rất khó. Nhưng nay, nhờ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi bà con đã phát huy được đồng vốn để xây dựng trang trại tổng hợp, kinh doanh có hiệu quả.
Mô hình nuôi gà đen ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn

Mô hình nuôi gà đen ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn

Về bản Hoa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn hỏi ông Lương Văn Hoan, ai cũng biết, bởi đây là một điển hình vượt khó. Từ năm 2009 ông đã mạnh dạn vay 15 triệu đồng từ NHCSXH huyện để nhen nhóm làm kinh tế. Ông Hoan tâm sự: “Trước đây gia đình chỉ “chọc lỗ, tra hạt” làm nương rẫy, cuộc sống quanh năm thiếu đói. Nhờ vay được số tiền ưu đãi mua được 2 con “me” (bê) con, dần dà nhen nhóm lên được 11 con bò và 5 con trâu. Lứa đầu tiên bán được 3 con bò tôi đã trích kinh phí để đầu tư làm chuồng trại thực hiện chăn nuôi đúng quy trình. Cùng với chăn nuôi, tôi trồng hơn 1ha cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho trâu bò”. Đến thời điểm này ông Hoan đã tạo dựng cho mình được một cơ ngơi trang trại tổng hợp nhiều người mơ ước. Ngoài đàn trâu bò và đồng cỏ, ông còn khai hoang thêm được 6 sào ruộng nước để chủ động lương thực. Mỗi năm từ trang trại tổng hợp doanh thu từ 200 - 250 triệu đồng/năm.

Hay mô hình kinh tế ông Vừ Già Mùa - người Mông ở bản Sơn Hà, thông qua Hội Nông dân xã, năm 2010 ông Mùa đã vay được 25 triệu đồng từ NHCSXH huyện. Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm làm trang trại tổng hợp nên ông Mùa cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng nhờ vừa làm vừa chịu khó học hỏi, tích cực áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nên trang trại không ngừng phát triển. Trên vùng đất rộng chưa đầy 1,5ha, ông Mùa đã biết cách quy hoạch làm chuồng nuôi trâu, bò, lợn. Ở vùng khe Hoi Cọng ông đã mạnh dạn khai thác tiềm năng mặt nước trên 1.000m2 để nuôi cá và gieo trồng được trên 3 sào lúa. Đến nay trang trại tổng hợp của ông đã có gần 10 con trâu, bò, cùng với nuôi cá, mỗi năm trang trại cho thu nhập trên 150 triệu đồng.

Ông Vừ Nả Chá - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Cạ cho biết: Là xã khó khăn gồm các đồng bào Kinh, Thái, Khơ mú, Mông sinh sống. Lâu nay cuộc sống của người dân Tà Cạ cũng chủ yếu gắn với nương rẫy. Ban đầu người dân cũng rất ngại vay vốn vì nhận tiền về cũng chẳng biết đầu tư vào việc gì. Nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ NHCSXH và các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương cùng định hướng đầu tư phát triển từng mô hình cụ thể mà bà con đã biết sử dụng vốn vay. Đến thời điểm này, toàn xã Tà Cạ đang còn dư nợ của NHCSXH huyện trên 20 tỷ đồng, riêng vốn vay hộ nghèo 16 tỷ đồng, chủ yếu bà con đầu tư vào các lĩnh vực như xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, nuôi lợn, gà, trâu bò, nhiều hộ còn đầu tư trồng bí xanh, chuối…

Nhờ tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 còn chiếm 61% thì nay giảm xuống 51%. Tuy nhiên, theo ông Chá thì vẫn còn những trăn trở trong sử dụng đồng vốn vay ưu đãi. Một số hộ dân vẫn gặp những rủi ro trong đồng vốn phát triển kinh tế, thiếu kiến thức về phòng trừ dịch bệnh, số trâu bò, lợn gà chết vì dịch bệnh khá nhiều gây không ít thiệt hại cho bà con nông dân. Ông Vừ Chá - dân tộc Mông ở bản Sơn Hà than thở: “Vay vốn ưu đãi được 20 triệu đồng kết hợp với tiền tích góp nuôi được 4 con bò trong thời gian 6 tháng, mới đây một con đã bị bệnh tụ huyết trùng chết. Nguyên nhân là do không phát hiện được bệnh để phòng trừ, thiệt hại trên 30 triệu đồng”.

Bà Vi Khuyên - Giám đốc NHCSXH huyện Kỳ Sơn cho biết: Những năm qua, NHCSXH huyện đã phối hợp với các ban, ngành, hội, đoàn thể tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của nguồn vốn vay hộ nghèo; đảm bảo chuyển tải đồng vốn đến tận tay nông dân. Để thuận lợi cho bà con, NHCSXH huyện đã xây dựng hệ thống Điểm giao dịch tại hầu hết các xã, thị trấn. Giúp người nông dân phát huy hiệu quả nguồn vốn, thông qua 318 Tổ tiết kiệm và vay vốn, các hội, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội CCB… lồng ghép việc cho vay phối hợp với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao công nghệ giúp hộ nghèo áp dụng kiến thức KHKT vào sản xuất. Nhờ vậy hằng năm có nhiều mô hình kinh tế như chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả. Tính đến thời điểm này, dư nợ cho vay hộ nghèo là trên 133 tỷ đồng, từ đầu năm đến nay NHCSXH đã cho bà con vay trên 25 tỷ đồng. Qua khảo sát, các xã thuận lợi về giao thông có số dư nợ cao, như xã Hữu Kiệm dư nợ trên 21 tỷ đồng, Mường Lống 16,5 tỷ đồng, Chiêu Lưu trên 20 tỷ đồng…

Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, bà con cũng đã thay đổi nhận thức, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Như Kỳ Sơn hiện có trên 3.000ha ngô trên đất rẫy chủ yếu sử dụng giống lai, trên 700ha gừng, 200ha bí xanh… bà con đã dám đầu tư phân bón để thâm canh tăng năng suất.

Đối với huyện Yên Thành, nguồn vốn ưu đãi này cũng giúp nhiều hộ nghèo đầu tư phát triển kinh tế. Nhiều hộ dân đã xây dựng được các mô hình VAC, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi lợn, gà, trâu bò… Điển hình như hộ ông Tuấn Hùng ở xóm 8 xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, lâu nay cuộc sống của gia đình ông chỉ dựa vào 3 sào ruộng nên quanh năm khốn khó. Năm 2011, ông Hùng được vay 30 triệu đồng, ông đầu tư mua 1 con trâu và nuôi trên 300 con gà. Đến thời điểm này trâu đã sinh được 1 một con nghé trị giá 12 triệu đồng, cộng với tiền lãi từ chăn nuôi gà đã làm thay đổi cuộc sống. Ông Nguyễn Duy Trung - Chủ tịch Hội CCB xã Bắc Thành phấn khởi: Năm 2007, hội nhận ủy thác từ vốn vay NHCSXH trên 1,7 tỷ đồng cho gần 100 hộ nghèo của 3 xóm được vay vốn, do phát huy hiệu quả, nhiều hộ đã thoát nghèo, đến thời điểm này chỉ còn dư nợ 850 triệu đồng/40 hộ. Được biết, cũng từ năm 2007, xã Bắc Thành dư nợ hộ nghèo trên 5 tỷ đồng, với trên 300 hộ nghèo vay vốn thì đến nay số dư nợ giảm còn 2,4 tỷ đồng/165 hộ vay. Chủ yếu các hộ nghèo vay để phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng nguyên liệu.

Hiện, toàn huyện Yên Thành có 7.556 hộ vay vốn hộ nghèo với dư nợ trên 133 tỷ đồng. Từ đầu năm 2013 đến nay, doanh số cho vay hộ nghèo trên 40 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ nghèo được vay 18 triệu đồng.

Tính đến thời điểm này, riêng vốn vay cho hộ nghèo toàn tỉnh đạt dư nợ trên 2.000 tỷ đồng (109.300 hộ vay), từ đầu năm 2013 đến nay NHCSXH tỉnh Nghệ An cho 25.589 hộ nghèo vay 565 tỷ đồng. Ông Hoàng Sơn Lam - Trưởng phòng Tín dụng NHCSXH tỉnh cho hay: Từ nguồn vốn thu hồi nợ vay hằng năm khoảng 500 - 600 tỷ đồng NHCSXH tỉnh gần như có đủ nguồn để cho vay không phải trông đợi vào nguồn vốn Trung ương. Món vay lớn nhất 30 triệu đồng, bình quân các hộ dân được vay đạt 23 triệu đồng/hộ. Hiệu quả từ nguồn vốn vay rất rõ nét, bình quân giảm 3% hộ nghèo/năm. Trước đây, các hộ dân chủ yếu vay để chăn nuôi thì nay nhiều bà con ở các địa phương đã đầu tư phát triển kinh tế đa dạng. Bà con vùng biển đầu tư phát triển chế biến thủy hải sản, nuôi trồng thủy sản; bà con vùng núi, trung du phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, phát triển cây công nghiệp ngắn ngày như mía, sắn… Việc cho vay hộ nghèo được bình xét công khai, dân chủ nên đồng vốn đến đúng tay người nghèo.

Theo Báo Nghệ An

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác