Vùng chè đổi mới nhờ tín dụng sinh viên
Động lực vươn lên của học sinh nghèo
Vợ chồng anh Mai Văn Lang, chị Đào Thị Hòa ở thôn Na Thức, xã Phú Lạc rưng rưng kể với chúng tôi về “của để dành” của gia đình, được tạo nên từ sự góp mặt quan trọng của đồng vốn chính sách Chương trình tín dụng HSSV. Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã, kinh tế khó khăn, thu nhập của cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và số tiền ít ỏi từ việc hái chè thuê. Thế nhưng, vượt qua hoàn cảnh, hai con trai của anh chị đều chăm ngoan, học giỏi.
Năm 2008, con trai đầu Mai Ngọc Luân đỗ trường Trung cấp Sư phạm Thái Nguyên. Cả gia đình ai cũng muốn con học hành có nghề, thay đổi cuộc sống. Nhưng cả nhà còn bữa đói, bữa no huống chi là nuôi con học dưới trường tốn kém. Đúng lúc đó, gia đình được Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Na Thức bình xét và cho vay 16 triệu đồng Chương trình tín dụng HSSV. Thế là, cùng với sự nỗ lực làm lụng, hỗ trợ của bố mẹ, đồng vốn từ NHCSXH đã đồng hành cùng với Luân suốt mấy năm học. Luân yên tâm học tập và em trai cậu là Mai Hồng Phong cũng có động lực để phấn đấu, vững vàng bước vào ngưỡng cửa trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên năm 2012. Giờ, gia đình anh chị là tấm gương cho các hộ nghèo khác trong việc định hướng học hành của con cái. Luân đã ra trường và về dạy ở trường Tiểu học xã, mỗi tháng đều dành dụm tiết kiệm cùng bố mẹ trả nợ ngân hàng và giúp bố mẹ nuôi em ăn học.
Cách đó không xa, gia đình chị Trần Thị Toàn - dân tộc Tày - cũng đã vui mừng khôn xiết khi biết việc học hành của con cái chị có sự đồng hành của đồng vốn chính sách. Cũng như nhiều gia đình khác trong thôn, vì hoàn cảnh quá khó khăn, nhiều lúc chị đã nghĩ đến việc cho con nghỉ học giữa chừng để phụ giúp gia đình. Thật may mắn, từ Chương trình tín dụng HSSV nghèo, gia đình chị đã được vay 40 triệu đồng cho hai con là Lộc Văn Hiếu học trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thái Nguyên và Lộc Văn Quyết học trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế - Kỹ thuật Thái nguyên. Không giấu nổi niềm vui, chị tâm sự: “Cháu lớn đã tốt nghiệp và có việc làm ổn định, gia đình đang tích cóp để trả nợ ngân hàng đúng hạn. Nếu không có nguồn vốn HSSV, tôi thực chẳng biết xoay xở thế nào”.
Từ phong trào học tập, đời sống nông thôn đổi thay
Từ nguồn vốn Chương trình tín dụng HSSV, các hộ nghèo dám cho con em đi học, và bao em đã có cơ hội hoàn thành tâm nguyện của mình, đem kiến thức đã học tập về xây dựng quê hương, đồng thời khuyến khích những gia đình khác. Trong niềm hân hoan, ông Trương Văn Bắc - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lạc cho chúng tôi hay, từ khi NHCSXH triển khai Chương trình cho vay HSSV, con cái trong xã đã có điều kiện đến trường, số lượng sinh viên theo học các trường cao đẳng, đại học, học nghề ngày một tăng lên. “Xã đã thành lập Hội khuyến học, xây dựng dòng học hiếu học để kích thích, động viên con em trong xã - ông Bắc nói - Đặc biệt, vì nhận thấy ý nghĩa quan trọng cùng với tác động sâu sắc của chương trình này đến mỗi gia đình và cộng đồng, dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng đối với riêng Chương trình tín dụng HSSV, bà con rất có ý thức trả nợ. Ở xã, 100% khoản nợ được trả đúng hạn”. Bà con cũng đặc biệt vui mừng vì Đảng và Nhà nước kịp thời quan tâm, có những điều chỉnh phù hợp hỗ trợ HSSV nghèo. Cụ thể, năm nay Chính phủ có quyết định điều chỉnh mức cho vay từ 1 triệu đồng/tháng/HSSV lên 1,1 triệu đồng/tháng/HSSV từ 01/8/2013, giảm bớt gánh nặng cho các gia đình.
Không chỉ ở xã Phú Lạc mà ở các xã thị trấn của huyện Đại Từ, đồng vốn Chương trình tín dụng HSSV đã ghi những dấu ấn quan trọng. Đến nay, nguồn vốn cho vay trên địa bàn huyện đạt trên 77 tỷ đồng với trên 5.000 hộ được vay. Không ít em HSSV sau khi học xong đã xin được việc làm, cùng gia đình hoàn trả vốn vay cho ngân hàng đúng hạn, tạo điều kiện cho những HSSV khác được chắp cánh ước mơ đến giảng đường.
Giám đốc NHCSXH huyện Đại Từ Phạm Thế Khả cho biết, theo kế hoạch, nhu cầu vay vốn của HSSV học kỳ I năm học 2013 - 2014 của huyện Đại Từ khoảng 5,2 tỷ đồng. Hiện, công tác thu hồi nợ đến hạn của huyện đạt trên 1,2 tỷ đồng. Số tiền còn lại, Trung ương và tỉnh sẽ cấp đủ vốn để cho vay, với tinh thần khẩn trương, kịp thời, không để một em nào phải bỏ học vì thiếu tiền đóng học phí.
Bài và ảnh Tuấn Ngọc
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Vùng đồi Tiên Phước xanh tươi mãi
- » Hội CBB tỉnh Nam Định quản lý hiệu quả nguồn vốn ủy thác
- » Nước sạch làm đổi thay đời sống dân nghèo
- » Quảng Bình: Cho vay bổ sung giúp khách hàng khắc phục hậu quả bão lụt
- » Vì sự nghiệp giảm nghèo
- » Ba Tơ làm giàu từ phát triển rừng
- » Giúp thanh niên thoát nghèo bền vững
- » Sơn Định hoàn thành tiêu chí thu nhập sớm
- » Đắk Nông: Giúp đồng bào ý thức tiết kiệm
- » Bình Dương tiếp sức HSSV nghèo