Nước sạch làm đổi thay đời sống dân nghèo

08/10/2013
(VBSP News) Từ nguồn vốn ưu đãi của Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vay của NHCSXH, hiện toàn tỉnh Thanh Hóa đã có hàng chục nghìn công trình giếng, bể chứa nước, chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh được xây dựng và đưa vào sử dụng. Các công trình đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện vệ sinh môi trường vùng nông thôn, bảo đảm sức khoẻ và nâng cao đời sống cho người dân.
Nhờ vay vốn ưu đãi, người dân Thanh Hóa đã được dùng nước sạch

Nhờ vay vốn ưu đãi, người dân Thanh Hóa đã được dùng nước sạch

Ông Lê Hữu Quyền - Giám đốc NHCSXH tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ khi triển khai chương trình đến nay, tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều được NHCSXH cho vay vốn để các gia đình ở nông thôn xây dựng công trình nước sạch. Đối tượng cho vay không bó hẹp trong hộ nghèo, hộ chính sách mà mọi người dân có nhu cầu về xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đều được vay. Hiện nay, nhu cầu vay chương trình rất lớn vì vậy trong mấy năm qua ngân hàng đã cố gắng tạo nguồn để hỗ trợ cho người dân được tiếp cận với vốn vay ưu đãi. Trong quá trình triển khai thực hiện, NHCSXH các huyện đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các hội, đoàn thể tại địa phương. Hầu hết các hộ trong diện được vay chương trình này đều sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích, các hộ đều trả lãi và gốc đúng hạn, không có hộ nợ đọng kéo dài.

Đến tháng 9/2013, dư nợ Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh đạt gần 500 tỷ đồng, với hơn 60.000 hộ đang vay vốn. Từ nguồn vốn này, Thanh Hóa đã xây dựng được hơn 30.935 công trình nước sạch và công trình vệ sinh. 3 năm trước, gia đình ông Lê Xuân Ba ở xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân phải lọc nước giếng khoan và nước mưa để dùng hằng ngày. Được vay 8 triệu đồng từ của NHCSXH huyện Thường Xuân cùng kinh phí tự có, gia đình ông đã xây dựng được công trình đồng bộ, khép kín như nhà tắm, nhà vệ sinh, bể lọc nước, bể chứa nước, bảo đảm nước sạch sinh hoạt cho cả gia đình. Còn gia đình chị Lê Thị Huyền ở xã Tượng Văn, huyện Nông Cống, cũng có một hệ thống chuồng trại chăn nuôi được xây dựng hợp vệ sinh và một công trình bể chứa nước. Cả hệ thống chuồng chăn nuôi, bể chứa nước này đều mới được xây dựng từ nguồn vốn vay của Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chị Huyền cho biết: “Trước đây, gia đình tôi cũng như hầu hết các hộ ở thôn đều sử dụng nước giếng khoan. Nước lúc nào cũng màu vàng đục. Được ngân hàng cho vay tiền, gia đình tôi đã xây bể chứa nước, bể lọc và công trình phụ. Bây giờ mọi sinh hoạt của gia đình tôi từ tắm, giặt đến ăn uống đều sử dụng nước sạch. Tôi còn dùng nước sạch phục vụ nuôi lợn, gà. Bảo đảm sạch từ nhà đến đàn vật nuôi nên tôi không còn lo mầm bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe”. Niềm vui của gia đình chị Huyền, gia đình ông Ba cũng là niềm vui của hàng nghìn hộ ở Thanh Hóa được hưởng lợi từ nguồn vốn vay.

Có thể thấy rõ Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giúp các hộ dân được sử dụng nước sạch, công trình vệ sinh hợp vệ sinh, bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao chất lượng sống, làm thay đổi diện mạo của người dân nông thôn. Đồng thời, hình thành nếp sống văn hóa, văn minh, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường ở tất cả mọi nơi, nhất là ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Xóa bỏ dần tập quán sinh hoạt lạc hậu, thiếu vệ sinh của người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa; hạn chế sự chênh lệch về điều kiện sinh hoạt giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng nông thôn với nhau.

Hoàng Minh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác