Giúp nông dân giảm nghèo bền vững
Trong căn nhà xây mái bằng kiên cố với đầy đủ tiện nghi trong gia đình như ti vi, xe máy, tủ lạnh… ít ai ngờ, trước đây gia đình chị Phạm Thị Lộc ở thôn Khuôn Hang, xã Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa, lại là một trong những hộ nghèo trong thôn. Chị Lộc cho biết, gia đình chị thoát khỏi diện hộ nghèo là nhờ được vay vốn NHCSXH để đầu tư phát triển sản xuất. Năm 2009, chị vay vốn của NHCSXH huyện với số tiền 15 triệu đồng từ chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo. Từ số tiền này, chị đầu tư chăn nuôi lợn, nuôi gà, bán hàng ăn sáng…
Không nằm trong diện hộ nghèo của xã, nhưng kinh tế của gia đình chị Hoàng Thị Hoàn ở thôn Nà Ngày, xã Trung Hòa vẫn luôn bấp bênh bởi thu nhập chính của gia đình chị chỉ biết trông cậy vào mấy sào ruộng và vài con lợn, con gà, lại còn phải nuôi con học đại học nên gia cảnh chẳng lấy gì làm khấm khá. Mong muốn có nguồn vốn để mở rộng sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình luôn là ước mơ lớn đối với gia đình chị. Vừa qua, khi Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo triển khai tại địa phương, chị được Hội Phụ nữ xã giới thiệu và xét cho vay số tiền 30 triệu đồng từ chương trình này. Có vốn, chị đầu tư nuôi lợn với quy mô trên 20 con một lứa, nuôi trâu và làm đậu phụ bán; con gái của chị đang học đại học cũng được vay vốn từ nguồn tín dụng ưu đãi dành cho HSSV của NHCSXH. Nhờ đó mà hằng năm chị bớt được gánh nặng nuôi con ăn học để yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Giám đốc NHCSXH huyện Chiêm Hóa Nguyễn Phan Vỹ cho biết, để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, ngân hàng luôn bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện; phối hợp với các cơ quan chuyên môn, ngành chức năng của huyện, các tổ chức đoàn thể địa phương trong lồng ghép chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn cách sản xuất, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao vào sản xuất. Hiện, NHCSXH huyện đã triển khai lập 26 Điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND các xã, thị trấn, đảm bảo thuận tiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác khi tiếp cận với đồng vốn của NHCSXH.
Với phương châm xã hội hóa, dân chủ, công khai công tác tín dụng ưu đãi đã góp phần giải quyết được khó khăn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi được thuận lợi, dễ dàng; nguồn vốn tín dụng ưu đãi được đưa đến đúng đối tượng thụ hưởng. Trong hơn 10 năm hoạt động của NHCSXH huyện Chiêm Hóa đã cho gần 50.000 lượt hộ được vay vốn với tổng số tiền trên 445 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi trên đã tạo cơ hội cho hàng nghìn hộ dân nơi đây vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống.
Hưng Ngọc
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Giảm lãi suất và đẩy mạnh cho vay
- » "Điểm tựa" của người nghèo và các đối tượng chính sách
- » Giúp hội viên phụ nữ nghèo phát triển kinh tế
- » Để vốn vay giải quyết việc làm phát huy hiệu quả
- » Hiệu quả từ công tác lồng ghép vốn và dự án
- » Hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Châu Bí
- » Vốn tín dụng ưu đãi ở Đồng Nai: “Cần câu” của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác
- » Hàng nghìn hộ nghèo ở huyện Thường Xuân được vay vốn
- » Tăng cường cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn
- » Tam Phước hoàn thành 18 tiêu chí nông thôn mới