Vốn ưu đãi đến với nông thôn và nông dân
Được biết 5 năm trước, gia đình ông Trần Thế Bảng, thôn Tiên Trà, xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong vẫn phải dùng nước giếng khơi. Cạnh giếng, gia đình ông xếp gạch, lợp mái tạm làm thành nhà tắm. Năm 2008, được vay 8 triệu đồng từ NHCSXH huyện cùng kinh phí tự có, gia đình ông đã xây dựng được công trình đồng bộ, khép kín gồm: Nhà tắm, nhà vệ sinh, bể lọc nước, bể chứa nước, giếng khoan và xây dựng được hệ thống bioga tận dụng chất thải trong chăn nuôi làm khí đốt. Hiện, gia đình ông không còn lo thiếu nước, không sợ nước bẩn. Nước giếng khoan được lấy ở độ sâu 70m, bơm lên bể cát, lọc rồi chảy xuống bể chứa. Ông Bảng cho biết: “Nhớ lại khoảng thời gian cách đây chưa lâu, nước giếng khơi tuy trong nhưng nhà tôi không dám ăn vì sợ bị ô nhiễm bởi các nguồn nước từ ao hồ, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi. Để có nước ăn uống và đun nấu, gia đình tôi phải hứng nước mưa, dùng tiết kiệm mới đủ sinh hoạt”.
Ông Nguyễn Sỹ Kha - Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa cho biết: Dư nợ toàn xã đến nay đạt hơn 4 tỷ đồng. Từ nguồn vốn đó, việc chăn nuôi của xã được thuận lợi hơn vì có chuồng trại kiên cố, có các công trình nước sạch bảo đảm phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân. Riêng thôn Tiên Trà, 100% hộ dân đã xây được chuồng nuôi lợn, nuôi trâu, bò, có bể chứa nước, có nhà vệ sinh…
Hiện nay, hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Yên Phong đã được hưởng những lợi ích thiết thực từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Bà Nguyễn Thị Mai Hòe - Giám đốc NHCSXH huyện cho biết, trong những năm gần đây, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là một trong những chương trình giải ngân vốn nhiều nhất. Hiện nay, có gần 7.000 lượt hộ dân đang vay vốn với dư nợ gần 51 tỷ đồng; trong đó, doanh số cho vay từ đầu năm đến nay đạt gần 5 tỷ đồng. Với mức cho vay 4 triệu đồng/công trình, tối đa mỗi hộ được vay 2 công trình nước sạch và vệ sinh, toàn huyện đã có 6.886 công trình được xây dựng và đưa vào sử dụng.
Theo thống kê, đến nay số dân toàn huyện Yên Phong được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh chiếm 85% dân số; số hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm 60%; số chuồng trại chăn nuôi xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh môi trường chiếm 56%. Nhờ đó, môi trường nông thôn được cải thiện. Nhiều người dân có nguồn nước hợp vệ sinh để sử dụng, cùng với đó, chất lượng nước cũng như khối lượng nước phục vụ cho sinh hoạt ngày một tốt hơn, đáp ứng nhu cầu đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Tuy nhiên, ngày nay với sự gia tăng nhanh về dân số, tốc độ đô thị hóa đã làm tăng sự ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, nhiều công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn riêng lẻ của các hộ dân xây dựng từ nguồn vốn vay NHCSXH từ năm 2006 đang xuống cấp, làm giảm chất lượng nước sạch và tác dụng giữ gìn vệ sinh. Qua phản ánh của người dân, mức cho vay 8 triệu đồng/2 công trình nước sạch và vệ sinh đối với mỗi hộ dân là thấp. Theo quy định, những hộ dân đã được vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thì không được vay nguồn vốn này lần thứ hai. Để chương trình phát huy tác dụng hơn nữa, Nhà nước cần mức cho vay.
Theo Báo Bắc Ninh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » 20 tỷ đồng cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn ở Bình Dương vay vốn
- » HSSV nghèo có một chỗ dựa vững chắc
- » “Bà đỡ” giúp nông dân thoát nghèo
- » Thoát nghèo nhờ đồng vốn ưu đãi
- » Đi lên từ gian khó
- » Động lực để phụ nữ làm giàu
- » Vốn tín dụng HSSV phát huy hiệu quả dưới chân đèo An Khê
- » Chung tay xóa nghèo cho đồng bào dân tộc Khmer
- » Hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » Các huyện nghèo ở Quảng Nam sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi