Điểm tựa của người nghèo
Cùng cán bộ NHCSXH huyện Quỳnh Phụ, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Huấn ở thôn Khang Ninh, xã Quỳnh Trang - một trong những hộ gia đình vừa thoát nghèo năm 2012. Với người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn thì việc duy trì cuộc sống hàng ngày đã khó, gia đình ông đông người nên cuộc sống càng khó khăn hơn, nhất là các con đang tuổi ăn tuổi học. Ông Huấn chia sẻ: “Đúng vào thời điểm khó khăn nhất, gia đình tôi cũng như bao hộ khác trong xã nhận được tin vui Nhà nước có chính sách cho HSSV vay vốn để trang trải chi phí học tập. Nhờ đó mà các cháu được đến với giảng đường đại học”. Đến nay, cuộc sống của gia đình ông đã bớt vất vả hơn, bởi các con đã trưởng thành, hàng tháng đều gửi biếu bố mẹ “tiền dưỡng già”. Số tiền vay nợ của gia đình ông cũng chỉ còn gần 10 triệu đồng. Rời gia đình nhà ông Huân, chúng tôi đến với những gia đình khác cũng nhờ nguồn vốn ưu đãi đã vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng.
Với số vốn vay 20 triệu đồng cùng nguồn vốn tích góp của gia đình và bạn bè, ông Nguyễn Đình Trọng, xã An Ấp đã nhận đấu thầu đất cấy lúa kém hiệu quả đầu tư chăn nuôi theo mô hình VAC. Với diện tích thầu trên 4 mẫu, ông đào ao thả các loại cá truyền thống; đồng thời, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Chỉ sau hai năm, gia đình ông đã hoàn trả xong vốn vay ngân hàng, không những thế ông còn mở rộng quy mô sản xuất, với trên 200 con lợn thịt, 30 lợn nái ngoại và gần 1 nghìn con gà. Lợi nhuận mỗi năm đạt trên 150 triệu đồng.
Không chỉ đồng hành cùng HSSV vượt khó đến trường, cho vay hộ nghèo mà còn những chương trình tín dụng khác, như: giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ nghèo làm nhà, đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Điều này khẳng định, hoạt động của NHCSXH ngày càng phát triển, mở rộng về chương trình, đối tượng thụ hưởng và quy mô vốn đầu tư cho hộ nghèo, đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Thái Hùng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn số 1, thôn Trình Uyên, xã Quỳnh Nguyên cho biết: “Với số tiền 20 - 30 triệu đồng, đối với nhiều người là không lớn nhưng với người nghèo đây là tài sản không nhỏ”.
Chính từ nguồn vốn này, nhiều hộ gia đình đã đầu tư phát triển gia trại, trang trại chăn nuôi, kinh doanh… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, tỷ lệ hộ dân khá, giàu không ngừng tăng, số hộ nghèo giảm đáng kể, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới. Theo Giám đốc NHCSXH huyện Quỳnh Phụ Lê Hải Vũ: Đến hết tháng 7/2013, tổng dư nợ đạt gần 295,996 tỷ đồng, cho 19.717 hộ vay, đạt trên 95% kế hoạch năm. Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo đạt gần 51,771 tỷ đồng; vay giải quyết việc làm 8,314 tỷ đồng; vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn đạt trên 158,713 tỷ đồng; vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn gần 43,384 tỷ đồng…
Việc thực hiện mô hình Điểm giao dịch hoạt động cố định hàng tháng tại 38/38 xã, thị trấn, với 497 Tổ tiết kiệm và vay vốn do các hội, đoàn thể nhận ủy thác đã giúp cho nguồn vốn vay được triển khai đúng đối tượng, đúng mục đích; đồng thời, giúp giảm thời gian giao dịch cho người vay; tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc kiểm tra, giám sát, giúp đỡ người vay sử dụng vốn có hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ nợ quá hạn luôn ở mức thấp, dưới 0,07%.
Thông qua các chương trình cho vay, nguồn vốn của NHCSXH thời gian qua cơ bản đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giảm nghèo bền vững.
Minh Nguyệt
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Mô hình nuôi thủy sản hiệu quả ở rừng ngập mặn
- » Nhờ có NHCSXH càng rõ ý Đảng, lòng dân
- » Mỹ Hương thoát nghèo nhờ chuyển đổi cây trồng
- » Mở tương lai tươi sáng cho hộ nghèo
- » Vốn về vùng tái định cư
- » Tạo đà cho thanh niên vượt khó làm giàu
- » Đồng vốn đi vào cuộc sống
- » Hương Bình xóa nghèo từ cao su, rừng
- » Giúp người dân thoát nghèo
- » Khá giả nhờ vay vốn ưu đãi