Mỹ Hương thoát nghèo nhờ chuyển đổi cây trồng

13/08/2013
(VBSP News) Xã Mỹ Hương nằm ở cuối huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) giáp với eo biển Đông Hải của tỉnh Bạc Liêu, có đến hơn 60% hộ dân là người Khmer. Những năm trước đây, do bà con vùng quê xa xôi, hẻo lánh này chỉ sản xuất độc canh cây lúa, lại thiếu vốn, thiếu kiến thức làm ăn, cho nên đời sống gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn xã chiếm 47,7%.
Mô hình thâm canh rau xanh, màu sạch cho năng suất cao giúp bà con nông dân thoát nghèo bền vững

Mô hình thâm canh rau xanh, màu sạch cho năng suất cao giúp bà con nông dân thoát nghèo bền vững

Để giúp Mỹ Hương thoát nghèo, vào đầu năm 2009 Trung tâm giống cây trồng của tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với NHCSXH huyện Mỹ Tú triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật và vốn ưu đãi cho 60 hộ dân tộc Khmer nghèo ở hai ấp Nhâm Cốc và Xơm Lớn trồng rau xanh, màu sạch có màng phủ theo phương pháp an toàn trên diện tích 30ha đất lúa được cải tạo, chuyển đổi từ kết quả thu được ban đầu. Ngay năm sau, Ban chỉ đạo dự án mở rộng diện tích trồng chuyên canh lên 20ha các loại cây dưa leo, su su, dưa vàng không hạt, hành tím… tại 8 ấp trong xã Mỹ Hương. Cùng với đó, 270 hộ nghèo là đồng bào dân tộc được NHCSXH cho vay vốn giải quyết việc làm kịp thời, bình quân 20 triệu đồng/hộ để tham gia dự án trồng rau xanh, màu sạch tại ruộng và vườn của gia đình.

Ông Kiên Ninh là hộ thâm canh rau xanh, màu sạch năng suất cao của xã Mỹ Hương cho biết: “Tôi sử dụng toàn bộ vốn vay vào mua cây giống, cải tạo ruộng lúa trũng phèn mặn và đào kênh dẫn nước ngọt về gieo trồng trên đất hành tím, dưa vàng không hạt. Sau 7 tháng chăm sóc theo hướng dẫn kỹ thuật mới, cả hai loại cây trồng đó đơm hoa, kết trái cho thu nhập cao gấp 6, 7 lần so với trồng lúa. Dự kiến vụ hè thu này gia đình tôi được lãi gần 100 triệu đồng từ ruộng lúa chuyển đổi đấy. Chắc chắn, dần dần gia đình tôi sẽ thoát cảnh nghèo và có dư dả tiền nong để trả nợ ngân hàng”.

Còn chị Thanh Xính ở ấp Nhâm Cốc mấy năm qua đã bỏ hẳn nghề buôn bán tạp hoá tại chợ của xã, để cùng chồng vay vốn ưu đãi chuyên tâm bám ruộng, bám vườn trồng 1000m2 su su, bắp cải, thay cho việc sản xuất lúa phụ thuộc vào tự nhiên như trước đây. Nhờ được mùa rau xanh, gia đình chị tự nguyện trả nợ ngân hàng trước kỳ hạn, đồng thời trả lại luôn sổ nghèo cho địa phương. Mới đây, chị được Hội Phụ nữ xã tín nhiệm giới thiệu để bà con trong ấp bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Tuy thời gian chưa đầy 4 năm nhưng dự án hỗ trợ kỹ thuật, vốn ưu đãi vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những mặt hàng rau xanh, màu sạch, an toàn của xã Mỹ Hương đã có thương hiệu, được khách hàng ở các thành phố lớn trong cả nước tìm đến tận nơi sản xuất để tiêu thụ. Điều đó phản ánh kết quả của công tác đầu tư nguồn vốn chính sách và áp dụng khoa học, kỹ thuật đã giúp cho nhiều hộ dân Khmer vùng quê xa xôi thoát nghèo bền vững, trên con đường xây dựng Nông thôn mới.

Bài và ảnh Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác