Phú Yên: Tín dụng chính sách giúp hơn 45.200 hộ vượt qua ngưỡng nghèo
Những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội ở tỉnh Phú Yên gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác… Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo cảu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, các ban ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Yên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Yên Hồ Văn Thục cho biết: Hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phủ sóng đến 100% thôn, buôn, khu phố của 110 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào DTTS miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng nông thôn…
Từ năm 2020 đến tháng 9/2023, nguồn vốn tín dụng chính sách đã cho vay trên 126.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay gần 4.766 tỷ đồng, doanh số thu nợ hơn 3.493 tỷ đồng, góp phần giúp hơn 45.200 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 24.500 lao động; giúp hơn 10.200 lượt hộ gia đình vùng khó khăn vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; hơn 14.700 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 41.900 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; hơn 540 nhà ở xã hội cho khách hàng có thu nhập thấp…
Vốn tín dụng chính sách xã hội đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu căn bản, thiết yếu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng Nông thôn mới ở Phú Yên. Cụ thể, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 3,93% cuối năm 2019 xuống còn 2,17% cuối năm 2021 và giảm 0,87% trong năm 2022, hoàn thành kế hoạch giảm nghèo của tỉnh.
Bên cạnh đó, tín dụng chính sách xã hội còn góp phần nâng cao đời sống của người dân tại các xã xây dựng Nông thôn mới. Đến tháng 9/2023, toàn tỉnh có 64/83 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 16 xã đạt Nông thôn mới nâng cao (tăng 13 xã so với cuối năm 2019) và 3 đơn vị cấp huyện là TP Tuy Hòa, huyện Tây Hòa, huyện Phú Hòa đạt 100% xã Nông thôn mới.
Thời gian tới, chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Yên sẽ tiếp tục tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra; tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Chi nhánh cũng chủ động xây dựng kế hoạch nguồn vốn cho vay kịp thời, tranh thủ nguồn vốn trung ương, nguồn vốn địa phương để tăng cường nguồn vốn cho vay; thực hiện tốt việc thu nợ đến hạn để tạo nguồn vốn cho vay quay vòng; đồng thời tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cân đối, ưu tiên bố trí tăng cường nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH phù hợp với khả năng và nhu cầu vay vốn từng giai đoạn; quản lý, điều hành chỉ tiêu kế hoạch linh hoạt, kịp thời phù hợp từng thời điểm, từng địa phương…
Nghi Lộc
Các tin bài khác
- » Tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù
- » Chỉ thị 40 và sức mạnh từ sự đồng lòng (Bài 2: Để vốn đối ứng địa phương là “trợ lực”)
- » Chỉ thị 40 và sức mạnh từ sự đồng lòng (Bài 1: Luồng gió mới)
- » Vốn chính sách giúp nông dân Đan Phượng làm giàu
- » Đột phá từ một Chỉ thị (Bài 2: Những đồng vốn “quý như vàng”)
- » Đột phá từ một Chỉ thị (Bài 1: Trụ cột giảm nghèo bền vững)
- » Những giá trị nhân văn của tín dụng chính sách xã hội
- » Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương góp phần quan trọng để thực hiện TDCSXH trên địa bàn Hà Nội
- » Hỗ trợ đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế gia đình
- » Tín dụng chính sách tiếp sức hộ nghèo